Giải ngân đầu tư công: Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng

Giải ngân đầu tư công: Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
7 giờ trướcBài gốc
Tính đến hết tháng 6/2025, tổng vốn giải ngân ước đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch. Ảnh: ST
58 Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân dưới bình quân chung cả nước
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, tổng vốn giải ngân ước đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cao hơn cùng kỳ năm 2024, khi tốc độ giải ngân mới đạt lần lượt 26,4% và 28,2%.
Xét theo nguồn vốn, vốn ngân sách địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 là 27,4%. Trong khi đó, vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 25,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 29,5% cùng kỳ năm trước.
Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, Bộ Tài chính đã tổng hợp, ước tính lại tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm trên cơ sở kế hoạch vốn đã điều chỉnh, nhằm đảm bảo đánh giá đúng kết quả thực hiện đầu tư công theo nhu cầu vốn thực tế của từng đơn vị.
Kết quả cho thấy, có 8 Bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt từ mức bình quân chung cả nước trở lên; trong khi đó, có 32 Bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân dưới bình quân chung cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tài chính cũng chỉ ra 6 nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Trước hết, là các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, do khó khăn trong việc xác định giá đất đền bù. Thứ hai, nguồn cung nguyên vật liệu còn hạn chế, giá cả tăng đột biến so với thời điểm mời thầu, khiến chi phí dự án tăng. Thứ ba, những khó khăn liên quan tới quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Thứ tư,sự chậm trễ trong giải ngân các dự án ODA do chưa hoàn tất quy trình thủ tục đầu tư hoặc đang thực hiện các thủ tục đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Thứ năm, nguồn thu ngân sách địa phương từ sử dụng đất chưa đảm bảo so với dự toán, gây khó khăn cho việc phân bổ và giải ngân. Thứ sáu, những hạn chế trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, vướng mắc lớn nhất của Thành phố vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc và giá đất. Các dự án ODA gặp khó khăn do thời gian đàm phán, ký kết, điều chỉnh hiệp định vay kéo dài, thường từ 12-18 tháng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhận định, hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương tuy có vẻ “nhanh” nhưng thực chất chưa chắc đã hiệu quả. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng, nhiều địa phương tạm ứng ngay 20% vốn khiến tỷ lệ giải ngân tháng đầu rất cao, nhưng tháng sau lại không có khối lượng thực hiện, dẫn đến tỷ lệ giải ngân giảm mạnh. Ngoài ra, do thi công theo giai đoạn, khối lượng tập trung ở giai đoạn đầu, còn những hạng mục nhỏ lẻ về sau gặp thời tiết bất lợi, khiến tiến độ và giải ngân chậm lại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ rõ: nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu bắt nguồn từ công tác chuẩn bị đầu tư còn yếu kém. Nhiều dự án xin vốn trước rồi mới bắt đầu triển khai các bước chuẩn bị. Trong khi đó, một dự án muốn tổ chức đấu thầu bài bản cũng phải mất 1,5 - 2 năm, thời gian hoàn tất thủ tục lại kéo dài do vướng mắc về quy trình.
Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị: đối với Dự án đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), do hiệp định vay cũ đã hết hạn, hiệp định mới dự kiến ký vào quý I/2026, Thành phố đề xuất điều chỉnh giảm toàn bộ Kế hoạch vốn ODA năm 2025 là 572 tỷ đồng, đồng thời cam kết sử dụng ngân sách địa phương để khởi công dự án trong năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đề xuất, Chính phủ sớm ban hành quyết định dừng hiệp định vay vốn từ Ngân hàng KFW (Đức) đối với Dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và chuyển sang sử dụng toàn bộ ngân sách Thành phố, giúp chủ động giải ngân, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện thủ tục giao vốn ODA cấp phát cho Dự án tuyến Metro số 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: cần điều chỉnh lại toàn bộ quy trình, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính không cần thiết, mới có thể khắc phục tình trạng chậm giải ngân. Về thủ tục ODA, Phó Thủ tướng cho rằng việc đầu tiên là phải thống nhất sớm với các nhà tài trợ, làm cơ sở sửa đổi các quy định hiện hành, nhất là các yêu cầu kỹ thuật và vai trò tư vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu 100% kế hoạch Thủ tướng giao, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, các Bộ, ngành, địa phương phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại công trường, dự án; khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt và phê bình, xử lý tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quán triệt tinh thần không để cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Kết quả giải ngân phải được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân. Trong thực hiện chính quyền hai cấp và sáp nhập địa phương, các tỉnh, thành cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục điều chỉnh hoặc thống nhất kế hoạch, ví dụ điều chuyển kế hoạch vốn từ cấp huyện lên tỉnh hoặc xuống xã, bảo đảm giải ngân không bị ách tắc…/.
HỒNG NHUNG
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-quyet-tam-hien-thuc-hoa-muc-tieu-tang-truong-41514.html