Nhiều giải pháp mới 'trị' nền đất yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều giải pháp mới 'trị' nền đất yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trướcBài gốc
Tìm lời giải cho bài toán đất nền yếu ĐBSCL
Sáng 24/4, Hội Vật liệu xây dựng tổ chức hội thảo "Công nghệ, thiết bị mới trong xây dựng giao thông và sản xuất vật liệu xây dựng". Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, ĐBSCL là khu vực có điều kiện kỹ thuật phức tạp, nền đất yếu, đất sét dẻo chảy và nhiều đặc tính bất lợi trong xây dựng hạ tầng giao thông.
Việc thi công công trình giao thông trên nền đất ở khu vực này đặt ra nhiều thách thức, không chỉ liên quan đến thiết kế mà còn ảnh hưởng đến thi công, khai thác và bảo trì công trình
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng phát biểu khai mạc.
Theo kỹ sư Mai Triệu Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC, cát sông là vật liệu truyền thống để xử lý đất nền yếu. Trước thực trạng cát khan hiếm và tăng giá tại ĐBSCL do khai thác quá mức qua nhiều thập kỷ, sử dụng phương pháp này sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng tới tài nguyên và môi trường.
Kỹ sư Mai Triệu Quang cho biết, gia cố nền đất sét dẻo chảy bằng vôi và tro bay sẽ là giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên. Bởi vì, vôi chất kết dính hóa học hiệu quả để cải thiện đặc tính cơ lý của đất sét. Còn tro bay là phụ phẩm từ quá trình đốt than trong các nhà máy nhiệt điện, là vật liệu pozzolanic chứa hàm lượng cao silica và alumina hoạt tính.
Việc kết hợp tro bay với vôi không chỉ làm tăng hiệu quả gia cố mà còn mang lại lợi ích kinh tế và môi trường. Một giải pháp phù hợp ở Việt Nam, nơi có hàng triệu tấn tro bay được thải ra môi trường từ các nhà máy nhiệt điện.
Ths Tạ Văn Luân, Phó giám đốc Trung tâm Xi măng và Bê tông (Viện Vật liệu xây dựng) cho biết, để giải quyết vấn đề đất yếu, phương pháp gia cố nền đất bằng xi măng là một trong những phương pháp tối ưu. Phương pháp này giúp tăng độ ổn định của nền đất, rút ngắn thời gian thi công với chi phí thích hợp.
Viện Vật liệu xây dựng đã nghiên cứu vật liệu gia cố xi măng cho nền đất yếu từ năm 2012, thử nghiệm trên nhiều loại đất cơ bản của nước ta. Trải qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy, vật liệu gia cố trên cơ sở kết hợp xi măng, xỉ hạt lò cao nghiền mịn (GGBS) và phụ gia với tỷ lệ hợp lý có thể tăng cường độ của đất gia cố lên 1,5-2 lần so với sử dụng xi măng thông thường.
"Khi nền đường được gia cố bằng nền xi măng thì phân bố tải trọng của phương tiện lên nền đường tốt hơn. Việc này làm tăng khả năng chống thấm của lớp nền đường, tăng tuổi thọ của công trình", Ths Tạ Văn Luân cho biết thêm.
Những giải pháp mới cho công trình giao thông
Cũng tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, đại diện Công ty SIKA Việt Nam đã giới thiệu về màng chống thấm Sikaproof-110. Đây là màng chống thấm thế hệ mới, có thể giải quyết các vấn đề tồn tại trong giải pháp chống thấm hiện nay.
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Contech Việt Nam 2025.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, trong hệ thống chống thấm truyền thống, nếu thi công không đúng cách, nước có thể ngấm vào hầm thông qua các vết nứt và mối nối của màng chống thấm hoặc tại vị trí giao nhau giữa các lớp vật liệu.
Để giải quyết tình trạng này, màng Sikaproof-110 tạo thành một lớp ngăn cản nước vững chắc để bảo vệ đường hầm. Công nghệ chống thấm này cho phép tạo thành một sự liên kết chắc chắn giữa màng chống thấm và bê tông vỏ hầm sau khi thi công qua việc bám dính cơ học và bám dính hóa học. Với cấu tạo liên kết bám dính toàn bộ, loại bỏ khả năng thấm và thấm lan qua các vết nứt và mối nối mà không cần phải lắp đặt băng cản nước hoặc hệ thống bơm dự phòng.
Ths Lê Anh Đức, Công ty CP Sáng tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nam cũng đã giới thiệu về giải pháp cầu cạn nhịp lớn bê tông siêu tính năng (UHPC) cho đường cao tốc. UHPC là loại bê tông có đặc tính vượt trội về cả tính chất cơ học, độ bền so với bê tông thường và bê tông cường độ cao. Hiện bê tông UHPC đã được áp dụng cho nhiều công trình xây dựng, giao thông ở nước ta.
Đặc tính ưu việt của bê tông siêu tính năng với công trình xây dựng
Xây dựng cầu cạn nhịp lớn dầm UHPC cho Đồng bằng sông Cửu Long
Với những ưu điểm vượt trội khi xét về mặt cường độ cũng như độ bền, việc ứng dụng loại bê tông này vào các công trình cầu, đường, hầm sẽ làm tăng độ chịu tải, độ bền công trình. Đặc biệt, nếu áp dụng xây dựng hạ tầng đường cao tốc, sẽ giúp tăng tuổi thọ công trình, không phải bảo dưỡng nhiều lần.
Hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ những khía cạnh về tính thực tiễn trong việc áp dụng công nghệ mới vào thi công các công trình giao thông. Các ý kiến được đưa ra không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công trình mà còn hướng đến việc đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường.
Tiến Hào
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/giai-phap-gia-co-dat-nen-lam-duong-giao-thong-o-dong-bang-song-cuu-long-19225042412232593.htm