Giảm nghèo ở vùng quế Trà Bồng

Giảm nghèo ở vùng quế Trà Bồng
2 giờ trướcBài gốc
Anh Hồ Văn Diệu tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo. Ảnh: Minh Ngọc
Những tấm gương thoát nghèo
Giảm nghèo bền vững là một thách thức không nhỏ đối với huyện miền núi Trà Bồng. Sau những nỗ lực trong nhiều năm qua, những ngổn ngang của bộ mặt nông thôn miền núi ở Trà Bồng đã có những đổi thay tích cực. Nhiều mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào đã được triển khai. Mô hình chăn nuôi bò liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai trên địa bàn xã Trà Tân và Trà Giang với 39 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo tham gia, trong đó, Trà Tân 22 hộ, Trà Giang 17 hộ. Mỗi hộ được cấp 3 con bò đến nay đã phát huy nhiều hiệu quả về năng suất, chất lượng, có khả năng nâng cao thu nhập, trở thành mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho người dân. Tại đây, các hộ cùng nhau dựng một chuồng trại dài với nhiều ngăn, mỗi hộ nhốt bò trong một ngăn, cùng nhau chăm sóc đàn bò từ 15 đến 20 con. Các hộ trong nhóm sẽ phân công nhau luân phiên chăm sóc, chăn thả đàn bò.
Tương tự, tại xã Sơn Trà, bằng nguồn vốn từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2023, xã Sơn Trà đã triển khai dự án nuôi bò theo nhóm cộng đồng. Dự án triển khai đến 5 thôn trên toàn xã. Toàn xã hiện có 14 nhóm hộ với 79 hộ tham gia nuôi 227 con bò giống. Anh Hồ Văn Diệu, trưởng thôn Hà (xã Sơn Trà) cũng là nhóm trưởng nhóm cộng đồng tổ 2, thôn Hà cho biết, mỗi thôn có từ 2 đến 3 nhóm hộ từ 5 đến 6 hộ. Trong tuần sẽ luân phiên, mỗi ngày có 2 hộ sẽ đảm nhiệm việc chăn thả bò ăn. Mỗi hộ gia đình tự trồng cỏ, chặt cỏ mang đến chuồng rồi người trực ngày đó sẽ cho bò ăn, làm như vậy rất đỡ công chăm sóc, chăn thả cho bà con, để có thời gian làm việc khác. Xung quanh khu vực chuồng bò trồng cỏ đảm bảo thức ăn hàng ngày cho bò. Ngoài ra, bà con còn chặt cây chuối rừng băm nhỏ làm thức ăn cho bò. “Khi nuôi theo nhóm hộ, có hộ dẫn dắt, hướng dẫn, đàn bò được chăm sóc chu đáo. Dự án nuôi bò cộng đồng đã góp phần hạn chế tình trạng thả rông, bà con biết chăm sóc đàn bò tốt hơn. Khi thu lợi nhuận từ đàn bò sẽ góp vốn quay vòng cho các hộ muốn tham gia mô hình vay vốn mua bò để nuôi cùng, mở rộng nhóm hộ để cùng nhau phát triển kinh tế” - anh Hồ Văn Diệu cho biết.
Xã Sơn Trà là địa phương có gần 100% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Anh Hồ Văn Diệu là Trưởng thôn trẻ tuổi đến nay đã hơn 7 năm, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào của địa phương phát động, đặc biệt là trong công tác phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo của thôn. Anh một trong những người có uy tín tại cơ sở, được nhân dân tin tưởng. Nhờ đó, những năm gần đây, thôn Hà đã có bước chuyển mình tích cực cả về đời sống kinh tế và văn hóa, xã hội.
Những tín hiệu vui
Theo lãnh đạo huyện Trà Bồng, ở địa bàn có hơn 46% dân số là người đồng bào DTTS, trong đó, đa phần là người Cor còn nghèo khó. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Trà Bồng đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo bền vững bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trà Bồng hơn 42% thì đến cuối năm 2023 chỉ còn hơn 29%. Năm 2024, huyện đề ra chỉ tiêu giảm 10% hộ nghèo, tương đương 1.510 hộ thoát nghèo. Hiện, toàn huyện có 2 xã Trà Bình và Trà Phú đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm 2024, phấn đấu có thêm 2 xã Trà Giang và Trà Tân đạt chuẩn nông thôn mới. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, Trà Bồng phấn đấu cơ bản thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2025 với những định hướng, lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, phù hợp của địa phương hiện nay.
Ông Trần Văn Sương khảo sát, xem xét tình hình thực tế mô hình nuôi bò nhóm hộ tại địa phương. Ảnh: Minh Ngọc
Huyện Trà Bồng đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết cây quế với tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng. Tham gia dự án có 192 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 4 xã Trà Lâm, Trà Sơn, Trà Thủy và Trà Hiệp, với quy mô khoảng 260ha. Đây là những hộ có kinh nghiệm và có đất trồng quế. Dự án được triển khai hướng đến mục tiêu phát triển cây quế với sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, cũng như xây dựng thương hiệu “Cây quế Trà Bồng”, giúp đồng bào DTTS thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính quyền huyện Trà Bồng cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn dành cho hộ nghèo và đồng bào DTTS, hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, thoát nghèo.
Điển hình như, tại thôn Kà Tinh (xã Trà Sơn) có 85 hộ dân. Năm 2023, thôn có 14 hộ thoát nghèo, còn 34 hộ nghèo. Đến nay, bà con đã biết phát huy các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế. Toàn thôn đã xóa nhà tạm, hầu hết người dân có nhà xây khang trang, sạch đẹp. Tương tự, tại xã Sơn Trà, trong năm 2024, phấn đấu giảm 154 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo, tăng gấp 4 lần so với năm 2023. Tuy nhiên, một tín hiệu vui khi ngay đầu năm 2024, đã có 70 hộ dân đã tự nguyện đến UBND xã đăng kí thoát nghèo.
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, thời gian qua, Huyện ủy tổ chức khảo sát thực tiễn công tác giảm nghèo ở 16 xã trên địa bàn huyện, nắm nhu cầu cụ thể của từng thôn, hộ dân để có biện pháp chỉ đạo công tác giảm nghèo. Huyện Trà Bồng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phát huy tối đa nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn và nguồn nội lực để giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập. Hướng các gia đình phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa...
Tin rằng, với những nỗ lực, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân cùng các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, những tín hiệu tích cực từ việc giảm nghèo là động lực mạnh mẽ, khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững ở mỗi người dân nơi đây.
Giai đoạn 2022-2024, tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 920 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hơn 760 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của địa phương. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững là 335 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân hơn 182 tỷ đồng, đạt hơn 54,3% kế hoạch. Riêng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện là trên 140 tỷ đồng. Nguồn vốn thực thiện Chương trình 1719 là hơn 471 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 188 tỷ đồng, đạt hơn 39,9% kế hoạch. Nguồn vốn thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2024 gần 113 tỷ đồng. Hiện, đã giải ngân gần 52 tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch. Các nguồn lực được lồng ghép để phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh.
Minh Ngọc - Phong Trà
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/giam-ngheo-o-vung-que-tra-bong-post481863.html