Ngành công nghiệp xe ô tô điện Trung Quốc đã bứt phá mạnh mẽ trong những năm qua, trong đó phần lớn nhờ vào loạt ưu đãi hào phóng từ chính phủ. Những chính sách hỗ trợ này đã giúp nước này vươn lên thành “đại công xưởng” xe điện của thế giới.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng rực rỡ sắc màu ấy là dấu hỏi lớn về tính minh bạch và công bằng trong việc phân bổ các khoản trợ cấp. Những khoản tiền khổng lồ này không phải lúc nào cũng đến đúng nơi, đúng đối tượng.
Ảnh: Carscoops
Theo kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2020 được công bố mới đây, khoảng 864 triệu nhân dân tệ (tương đương 121 triệu USD, tức hơn 3.100 tỷ đồng) đã được chuyển cho các hãng xe không đủ điều kiện nhận trợ cấp.
Cụ thể, báo cáo kiểm toán của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc nêu, hãng Chery nhận 240 triệu nhân dân tệ (xấp xỉ 33 triệu USD, tức gần 850 tỷ đồng) cho hơn 8.800 xe điện và hybrid không đạt điều kiện.
BYD - ông lớn xe điện Trung Quốc khác cũng nhận tới 143 triệu nhân dân tệ (xấp xỉ 20 triệu USD, tức khoảng 580 tỷ đồng) cho 4.900 xe không đủ chuẩn.
Hiện tại, chưa rõ các khoản tiền sai phạm này đã được thu hồi hay sẽ khấu trừ vào trợ cấp sau đó của các hãng xe này.
Ảnh: Carscoops
Ngay từ đầu những năm 2010, Trung Quốc đã triển khai chương trình trợ cấp xe điện với mức hỗ trợ lên tới 60.000 nhân dân tệ (khoảng 8.400 USD, xấp xỉ 220 triệu đồng) cho mỗi xe. Khoản tiền này được hoàn trả theo lô cho các nhà sản xuất, từ đó họ có thể điều chỉnh giá bán lẻ để thu hút người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chương trình nhanh chóng bị biến tướng, trở thành mảnh đất màu mỡ cho gian lận. Chỉ riêng năm 2016, hàng chục công ty đã bị phát hiện khai khống, chiếm đoạt tổng cộng khoảng 9,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,3 tỷ USD, khoảng 34 nghìn tỷ đồng).
Trước những dấu hiệu bất thường, chính phủ Trung Quốc đã siết chặt giám sát ngành công nghiệp xe điện. Các hãng xe bị yêu cầu chấm dứt cuộc đua hạ giá phi lý và từ bỏ các chiêu trò "làm đẹp" doanh số.
Gần đây, xuất hiện thông tin nhiều thương hiệu vẫn lách luật bằng cách cung cấp xe số lượng lớn cho thương nhân và đại lý, sau đó đăng ký trước để tính vào doanh số bán ra. Những chiếc xe này sau đó được đẩy trở lại thị trường dưới dạng “xe cũ chưa qua sử dụng”, làm méo mó cả dữ liệu lẫn niềm tin của người tiêu dùng.
(Theo Carscoops)
Bạn có góc nhìn như thế nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Hoàng Hiệp