Việc ban hành các Nghị quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như một “luồng gió mới” khẳng định vị thế và tên tuổi của doanh nghiệp trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã chuẩn bị những kế hoạch táo bạo để sẵn sàng vươn ra biển lớn, khẳng định tên tuổi và thương hiệu “Made in Vietnam” trong kỷ nguyên mới.
Nhanh chóng đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống
Có thể thấy, từ quan điểm chỉ đạo đến các yêu cầu cụ thể về chính sách để hỗ trợ kinh tế tư nhân, trong đó, nòng cốt là doanh nghiệp nhỏ và vừa “lớn lên” nhưng vẫn phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp từ 55% GDP trở lên; Đến năm 2045, có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp và đóng góp hơn 60% GDP…
Chiến lược “không chỉ về số lượng mà còn là chiều sâu chất lượng” đã khẳng định tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về kinh tế tư nhân (cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể) “giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.”
Tuy nhiên, để tinh thần cải cách đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp ngành và sự chủ động đổi mới từ chính khu vực kinh tế tư nhân, từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và mỗi người dân. Có như vậy, kinh tế tư nhân mới thực sự tạo bước đột phá trong giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân". (Ảnh: TTXVN)
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), khi có Nghị quyết của Quốc hội về các đơn vị hành chính cấp tỉnh mới và đi vào hoạt động từ ngày 1/7, các địa phương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong giai đoạn tới.
Đại biểu cho rằng bên cạnh các chủ trương đề ra, các địa phương cần lưu ý đến các chính sách hỗ trợ và đặc biệt như hỗ trợ về đất đai, “làm sao có “đất sạch” trong khu công nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng cơ chế đấu thầu về dự án, tiếp cận nguồn lực đất đai, tiếp cận vốn…, đồng thời phải nhanh chóng củng cố, nâng cấp quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn.
Để phát triển kinh tế tư nhân, cần mời các doanh nhân lớn trên thế giới, những “cổ thụ” về kinh doanh trên thế giới để chia sẻ những bài học kinh nghiệm của họ trong quá trình phát triển.
Đặc biệt, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất cần thành lập ngay Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong Trung tâm Xúc tiến thương mại hoặc Trung tâm xúc tiến đầu tư của các địa phương nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp các chính sách thuế, chính sách về tiền thuê đất, cũng như hỗ trợ về nhân lực, mở các lớp đào tạo, trong đó mời các doanh nhân lớn trên thế giới, những “cổ thụ” về kinh doanh trên thế giới để chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển của mình hoặc những tập đoàn tư nhân lớn đã thành đạt để chia sẻ cho các học viên.
“Quan trọng cuối cùng là luật pháp, là thể chế, làm sao tạo sự minh bạch, làm sao tạo ra sự yên tâm của nhà đầu tư và luật chúng ta đang làm, tách bạch rõ giữa những vấn đề về dân sự, hành chính, kinh tế và hình sự, còn nếu về vấn đề hình sự thì ưu tiên những vấn đề khắc phục trước, cái này cần phải tuyên truyền và tuyên truyền hơn nữa, điều này sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Cởi trói cơ chế, sẽ có nhiều “sếu đầu đàn”
Hai tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát đã bắt tay với đối tác để thực hiện cam kết với Thủ tướng về sản xuất ray thép đường sắt tốc độ cao.
Theo đó, đầu tháng 4 vừa qua, Hòa Phát và Tập đoàn Primetals cùng “bắt tay” cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm. Với dây chuyền này, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao. Theo kế hoạch, dây chuyền cán dự kiến sẽ cung cấp những sản phẩm đầu tiên vào quý 3/2026 và dây chuyền đúc sẽ được đưa vào vận hành vào quý 4/2026.
Nếu thuê nước ngoài làm đường sắt thì có thể làm rất nhanh nhưng hàng nghìn thành viên của công nghiệp đường sắt sẽ không có việc làm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết Tập đoàn tập trung đẩy mạnh sản xuất thép chất lượng cao, thép chế tạo để góp phần thay thế mặt hàng thép cao cấp đang phải nhập khẩu. Hòa Phát tự tin sản xuất được các loại thép phục vụ ngành công nghiệp đường sắt, trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
“Nghị quyết 68 quá tuyệt vời. Nếu thuê nước ngoài làm đường sắt thì có thể làm rất nhanh nhưng hàng nghìn thành viên của công nghiệp đường sắt sẽ không có việc làm và ngành đường sắt của nước ta sẽ khó có cơ hội tự phát triển,” ông Trần Đình Long chia sẻ.
Sản phẩm thép của Hòa Phát được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến, hiện đại, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn đáp ứng được nhiều thị trường khó tính như EU, Canada, Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân lớn được hưởng lợi, việc ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tận dụng thời cơ để vươn lên và bứt phá.
Còn theo Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, đối với dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Hòa Phát, Vingroup, Thaco và các doanh nghiệp công nghệ đều có thể tham gia và đủ năng lực để làm.
"Các doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh hợp tác để thực hiện những công trình dự án lớn mà hiện nay đang phải thuê nhà thầu nước ngoài thi công," Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC khẳng định.
Không chỉ các doanh nghiệp có tên tuổi, nhiều doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ cũng sẵn sàng “chơi lớn” khi được Nhà nước hỗ trợ không chỉ là tiền mà là cơ chế, chính sách.
Bà Đoàn Thị Kiều Thanh, Giám đốc Công ty Nhôm Nam Sung chia sẻ, với các chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, cộng thêm chính sách đột phá về khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số vừa được ban hành đã “đánh trúng tâm lý” của các doanh nghiệp, bởi nguồn lực được khơi thông, sẽ là một “đòn bẩy” mạnh mẽ cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, năm 2025, Nam Sung sẽ tăng độ “phủ sóng” tại thị trường phía Bắc và mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm trước, bằng việc đầu tư một nhà máy tại Nam Định. Bên cạnh đó, Nam Sung cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu trên các thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU và Australia…
“Việc đầu tư với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất tốn kém và phải cần nhiều thời gian, song những chính sách như Nghị quyết 68 hay Nghị quyết về Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là một cú hích rất lớn để Nam Sung vươn xa,” bà Kiều Thanh nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, Nghị quyết 68 là bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: TTXVN)
Phải khẳng định, trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ hiện nay đang tăng tốc và thay đổi một cách nhanh chóng, Việt Nam để tăng tốc nhanh hơn cần dựa vào động lực tiên quyết, đó là dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Vì vậy, ngay sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với Nghị quyết 198 về phát triển kinh tế tư nhân, nghị quyết 193 của Quốc hội như nhân thêm động lực để các doanh nghiệp tiếp tục bứt phá trong hành trình vươn ra biển lớn.
Chia sẻ về các nghị quyết này, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaseed chia sẻ, trước khi có Nghị quyết 57, PAN đã tập trung vào đổi mới sáng tạo, “nhưng khi Quốc hội ban hành nghị quyết này, trong suy nghĩ của bà đã “nảy” thêm rất nhiều kế hoạch để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu mạnh mẽ hơn sang các thị trường khó tính, các thị trường lân cận.
Việt Nam để tăng tốc nhanh hơn cần dựa vào động lực tiên quyết, đó là dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Dẫn chứng khảo sát của các chuyên gia về thị trường châu Phi, nơi được coi là thị trường rất tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, theo bà tại nơi này chỉ có 5% là giống cây trồng mới còn lại tới 95% là các loại giống cũ, vì vậy “với đòn bẩy” từ chính sách, nhiệm vụ sắp tới của PAN là đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Thậm chí tại Thái Lan, nơi được coi là nguồn cung xuất khẩu gạo lớn, song người dân Thái cũng đánh giá rất cao chất lượng và năng suất gạo của Việt Nam đã mang lại cho người dân.
“Với các doanh nghiệp như PAN, Nghị quyết 57 rất đúng đắn và kịp thời giúp doanh nghiệp có thể tận dụng được những cơ hội mà doanh nghiệp đang mong mỏi, đặc biệt là “cởi trói” những vấn đề đang còn là điểm nghẽn để có cơ hội tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế,” bà Trà My nói.
Theo ước tính của PAN, giống cây trồng được đăng ký và mang ra thị trường của các doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 60% và hơn 30% của các Cục, Vụ, Viện, còn lại chỉ 7-8% là của doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, các loại giống cây trồng của doanh nghiệp tư nhân đưa ra đều được bà con nông dân đón nhận tích cực nhờ mang lại năng suất và hiệu quả cao, vì vậy bà My cho rằng vẫn cần sự hỗ trợ của các Ban, Bộ, ngành để có những cơ chế thuận tiện hơn trong việc hợp tác, hỗ trợ cho người nông dân, kể cả những vấn đề về vốn, thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón…, bởi lẽ khi có các cơ chế cởi mở hơn thì doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người nông dân và mang lại hiệu quả hơn cho họ.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau, chúng tôi vừa muốn đi nhanh vừa muốn đi xa, do vậy Nghị quyết 57 được Trung ương ban hành giúp doanh nghiệp vừa nhanh, vừa xa và chúng tôi hy vọng nhanh chóng thực hiện giấc mơ nâng tầm nông nghiệp,” bà Nguyễn Thị Trà My bày tỏ./.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã đạt được danh hiệu Thương hiệu Quốc gia, một giải thưởng do Bộ Công Thương trao tặng để tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, uy tín và có sức ảnh hưởng lớn trong nước. (Ảnh: TTXVN)
Mời độc giả đón đọc loạt bài:
(Vietnam+)