Ghi nhãn hàng hóa, nhãn điện tử hoặc "hộ chiếu số" của sản phẩm
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong quản lý rủi ro và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, mở ra nhiều cơ hội đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý.
Trước câu hỏi của Người Đưa Tin, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có tác động như thế nào đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa? Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp nào để đảm bảo hiệu quả kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa sau khi đã lưu thông?
Trả lời nội dung này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đề xuất thay đổi căn bản trong phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo ba mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao) để quản lý, theo hướng giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế (Ảnh: Hữu Thắng).
Việc phân loại rủi ro dựa trên mức độ tác động đến sức khỏe, môi trường, khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và cảnh báo từ tổ chức quốc tế. Đồng thời, tính đến khả năng quản lý của cơ quan Nhà nước trong từng thời kỳ.
Đây là bước chuyển căn bản từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình quản trị dựa trên dữ liệu và đánh giá khoa học, thể hiện tư tưởng cốt lõi lấy khoa học công nghệ làm công cụ quản trị quốc gia.
Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung quy định về nguyên tắc hậu kiểm nhằm tạo cơ sở thống nhất giữa các Bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.
Như vậy, theo Bộ KH&CN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thể hiện sự chuyển hướng rõ nét trong tư duy lập pháp: Từ quản lý hành chính cứng nhắc sang quản trị rủi ro, từ khuyến khích sang chế tài hợp lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả thực thi pháp luật mà còn góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm công bằng, minh bạch trên thị trường.
Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để xuất khẩu như hỗ trợ tư vấn, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng...
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi lưu thông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất.
Trong đó có thực hiện ghi nhãn hàng hóa, nhãn điện tử hoặc "hộ chiếu số" của sản phẩm; thể hiện các thông tin về truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch cho sản phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc.
Đối với hàng hóa có mức độ rủi ro cao, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm, triển khai theo lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và đặc thù phát triển của từng ngành hàng.
Xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa sau lưu thông, Luật đã quy định việc xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cơ quan quản lý chủ động giám sát, kiểm tra và người dân tham gia cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đồng thời, quy định Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu hải quan, kiểm tra chất lượng, thông tin truy xuất nguồn gốc, phản ánh từ người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế; bảo đảm năng lực theo dõi, cảnh báo sớm và ngăn chặn kịp thời hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Đã sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động kiểm tra, phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Ảnh: Hữu Thắng).
Ngoài ra, Bộ KH&CN cho biết, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động kiểm tra, phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương có trách nhiệm phối hợp và chia sẻ dữ liệu, nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa qua, nêu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện một số Nghị định gồm:
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định của Chính phủ để giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện quản lý Nhà nước; Nghị định quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ Halal; Nghị định về Nhãn hàng hóa...
Hoàng Thị Bích