Ngay từ 7 giờ sáng ngày 1/11, nhiều nhóm du khách và cá nhân đã có mặt tại Km 6+500 Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Có lẽ đã rất lâu rồi người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận mới háo hức chờ đón ngày mở cửa của một bảo tàng như vậy.
Anh Nguyễn Lạc Huy, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Một bộ phận giới trẻ hiện nay có nhận thức chưa đầy đủ về lịch sử, điều này sẽ ảnh hưởng một cách nhất định tới quan điểm sống, học tập và lao động sau này. Tuy nhiên, ở đây ngày hôm nay, tôi rất vui và xúc động khi thấy rất đông các bạn trẻ đã tới tham quan, trải nghiệm không gian trưng bày của bảo tàng mới. Theo tôi quan sát, có nhiều bạn rất am hiểu về lịch sử, quân sự… Đó là điều hết sức vui mừng và cá nhân tôi thấy rất tự hào!”.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây mới vừa mở cửa miễn phí trong vòng 1 tháng cho người dân tới tham quan từ ngày 1/11/2024.
Cùng chung quan điểm với anh Huy, ông Nguyễn Chí Thành (Hà Nam), một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường K cho biết, mỗi lần đến Hà Nội, ông đều tìm về bảo tàng lịch sử quân sự cũ ở phố Điện Biên Phủ. Hôm nay bảo tàng mới mở cửa, ông cũng háo hức, cũng tự hào như bao du khách khác đến đây. Điều làm ông vui nhất là sự có mặt của các cháu thiếu nhi, các bạn trẻ ở bảo tàng.
“Là một người lính từng đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, chúng tôi phần nào hiểu được giá trị của cuộc sống, của hòa bình hơn các cháu bây giờ; nhưng nhìn các cháu tới đây, tự các cháu tai nghe mắt thấy, tay sờ các hiện vật… Tôi biết các cháu đã không thờ ơ với lịch sử, không quên chúng tôi. Đó là điều khiến tôi rất tự hào!” - ông Thành nói.
Ngày đầu mở cửa và miễn phí vé trong 1 tháng, Ban quản lý của bảo tàng cũng muốn lấy ý kiến của du khách và người dân để tiếp tục hoàn thiện nội dung trưng bày. Hiện nay, bảo tàng mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án gồm khu trưng bày trong nhà và ngoài trời với hơn 150.000 hiện vật gồm 4 bảo vật quốc gia.
Trao đổi với phóng viên về không gian trưng bày của bảo tàng, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, đại đa số cảm thấy cách bố trí các hiện vật như hiện tại là hoàn toàn hợp lý, riêng ánh sáng của các khu trưng bày rất đẹp, hướng người xem vào các thông tin có giá trị. Tuy nhiên cũng có nhiều du khách cảm thấy cách bố trí của bảo tàng chưa thông minh, khiến người xem bị loạn thông tin, không biết nên bắt đầu từ đâu… Một số ý kiến cũng cho nên có rằng chỗ nghỉ ngơi, các điểm bán nước tự động hoặc quầy bán nước cho du khách…
Một số hình ảnh du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong ngày đầu mở cửa:
Sảnh chính với không gian rộng, với chiến đấu cơ MIG 21 mang số hiện 4324 - một trong 4 bảo vật quốc gia được trưng bày tại đây.
Ngay ngày đầu mở cửa, nhiều trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng đã tổ chức cho các em học sinh tới tham quan.
Không gian bên ngoài với nhiều hiện vật như máy bay, pháo, xe tăng... đã thu hút sự quan tâm của du khách. So với bảo tàng cũ, bảo tàng mới có nhiều hiện vật hơn được thu thập từ nhiều địa phương trên cả nước.
Được đến bảo tàng, mắt thấy tai nghe tay sờ các hiện vật, các em học sinh rất thích thú và tập trung lắng nghe thuyết minh từ hướng dẫn viên. Tuy nhiên, theo cảm nhận của phóng viên, cách tổ chức cho học sinh đi tham quan thế này chưa đạt được hiệu quả cao, nên chăng bảo tàng nên tổ chức những ngày đặc biệt trong tuần, tháng dành riêng cho các em học sinh; coi như đó là những buổi học lịch sử ngoạị khóa để các em có thể tập trung nhiều hơn và cũng đảm bảo được an ninh, an toàn.
Đông đảo bạn trẻ có hiểu biết về lịch sử, quân sự cũng đã tới đây, cùng nhau trao đổi, thảo luận về các loại vũ khí, các nhân vật lịch sử...
Không gian trưng bày có ánh sáng tốt, hướng người xem vào thông tin trung tâm.
Nhân viên của bảo tàng thường xuyên vệ sinh các tủ trưng bày.
Một số bạn trẻ cảm thấy rất bất ngờ trước những hiện vật lần đầu được nhìn thấy ngoài đời thực.
Mỗi đoàn khách tới tham quan đều có thể đăng ký hướng dẫn viên của bảo tàng đi cùng và thuyết minh.
Rất đông du khách là cựu chiến binh cũng tới đây tham quan, nhìn lại những giai đoạn lịch sử hào hùng.
Phong Sơn