Giới trẻ rủ nhau 'bỏ phố về quê' mở quán cà phê: Mơ sống chậm hay canh bạc liều lĩnh?

Giới trẻ rủ nhau 'bỏ phố về quê' mở quán cà phê: Mơ sống chậm hay canh bạc liều lĩnh?
4 giờ trướcBài gốc
Một tách cà phê, một bức ảnh, một chuyến đi xa
Mỗi cuối tuần, Asa Jin, một freelancer 37 tuổi sống ở Hàng Châu, lại xách máy ảnh, lên đường đi "săn" quán cà phê ở vùng ngoại ô. Cô ít khi quay lại cùng một nơi: "Đẹp thì đẹp đấy, nhưng uống một lần là đủ. Cảm giác mới lạ bay biến rất nhanh."
Điều cô đang mô tả chính là trào lưu "cà phê nông thôn", những quán cà phê mọc lên giữa đồng quê, rừng núi, hay thôn làng xa xôi. Không gian xanh, phông nền hoàn hảo cho Instagram, và một tách latte khiến nhiều người rời bỏ phố thị để tìm chút an yên. Nhưng phía sau làn sóng đó, có những câu hỏi không dễ trả lời: Có bền vững không? Có sinh lời không? Và liệu đây có thực sự là "phép màu" cho nông thôn Trung Quốc?
Gelien Coffee ở vùng nông thôn tỉnh Chiết Giang là một trong những quán cà phê được đánh giá cao, nổi bật với khung cảnh tuyệt đẹp, nhưng một số ý kiến cho rằng chất lượng cà phê chỉ ở mức trung bình. Ảnh: SCMP
Trà từng là biểu tượng của văn hóa Trung Hoa, nhưng giờ đây, cà phê mới là "vị của thời đại". Theo số liệu từ Tân Hoa Xã, lượng cà phê nhập khẩu ròng của Trung Quốc từ năm 2020 đến 2024 đã tăng hơn 6,5 lần, tương đương 130.800 tấn. Ngành công nghiệp cà phê hiện đạt quy mô hơn 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng) và tiếp tục tăng trưởng hai con số mỗi năm.
Thay vì chen chân ở các quán cà phê sang trọng giữa phố lớn, giới trẻ thành thị đang đổ về vùng quê, nơi mà cà phê không chỉ là thức uống mà còn là trải nghiệm du lịch, phong cách sống và... concept ảnh đăng mạng.
Mở quán giữa làng quê: Phép thử kinh tế hay trào lưu nhất thời?
An Cát, một huyện thuộc tỉnh Chiết Giang, hiện có hơn 300 quán cà phê, mật độ còn cao hơn cả Thượng Hải dù dân số chỉ bằng 1/40. Một trong những mô hình nổi bật là Deep Blue, quán cà phê được xây dựng dựa trên công thức "hai đầu tư, ba chia sẻ": Người dân góp đất, góp công và sau đó nhận cổ tức, tiền thuê cũng như lương từ việc làm tại quán.
Mô hình này được ca ngợi như một cách làm mới cho chương trình "chấn hưng nông thôn" của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phát triển đang rơi vào tình trạng... bội thực.
Tại Đức Bình, một địa phương gần An Cát, quán Gelien Coffee từng tạo cơn sốt nhờ khung cảnh được ví như Thụy Sĩ thu nhỏ. Nhưng khi khách kéo đến đông, đánh giá trên mạng lại phân cực: Gần 30% nhận xét chê cà phê dở, chất lượng như cà phê pha sẵn, "chỉ được cái đẹp để chụp hình".
Một số bình luận trực tuyến cho rằng khách đến Gelien Coffee ở tỉnh Chiết Giang chủ yếu để ngắm cảnh, chứ không phải vì chất lượng cà phê. Ảnh: SCMP
Chủ quán từ chối bình luận, nhưng câu chuyện khiến nhiều người đặt lại câu hỏi: Nếu khách chỉ đến một lần, chụp ảnh rồi đi, thì liệu quán có trụ được lâu dài?
Zhou Haojie, một người pha cà phê 49 tuổi, đã quyết định đóng cửa nhà hàng của mình để biến căn nhà ở quê thành một quán cà phê. Ngôi làng anh sống, làng Quốc Chiêu, đang nằm trong dự án cải tạo "Một nghìn làng mẫu, mười nghìn làng mới" của tỉnh.
Zhou hy vọng sự phát triển hạ tầng và các video quảng bá từ chính quyền địa phương sẽ giúp quán anh được biết đến, thay vì chỉ tập trung vào các điểm hot trên mạng. Nhưng ngay cả anh cũng thừa nhận: "Điều quan trọng nhất là giữ chân được khách quay lại, không chỉ là ghé chụp ảnh rồi đi."
Một thực trạng được giới chuyên gia cảnh báo: 98% quán cà phê nông thôn tại Chiết Giang đều xây dựng concept xoay quanh “thiên nhiên” và “không gian ảnh đẹp”. Cùng là những góc rừng, cánh đồng lúa, hay ngọn đồi vắng, khi tất cả đều na ná nhau, thì cảm giác đặc biệt của trải nghiệm đầu tiên cũng phai dần.
"Phát triển văn hóa và du lịch nông thôn đang đến ngưỡng bão hòa", giáo sư Lý Bân cảnh báo. "Muốn bền vững, phải tìm hướng đi khác biệt, có chiều sâu, thay vì chạy theo ảnh đẹp và lượt view."
NB (Theo SCMP)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/gioi-tre-ru-nhau-bo-pho-ve-que-mo-quan-ca-phe-mo-song-cham-hay-canh-bac-lieu-linh-18687.html