Điệu múa chiêu truyền thống của dân tộc Hà Lăng mang tính cộng đồng cao. Ảnh: Thúy Hạnh
Bên cạnh nhịp điệu cồng, chiêng vui tươi trong lễ hội mừng lúa mới, mừng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người Hà Lăng, là hình ảnh duyên dáng của những người phụ nữ Hà Lăng với trang phục truyền thống uyển chuyển, nhịp nhàng thể hiện điệu múa chiêu. Các đội múa chiêu luôn được tổ chức khá chặt chẽ, số thành viên thường từ 10 đến 16 người tham gia. Đặc trưng của múa chiêu không rộn rã, thúc giục, mà chậm rãi, khoan thai, khi dập dìu, lúc ngơi, lúc nghỉ, nhưng người múa không được dừng bước chân.
Kỹ thuật múa chiêu không khó, nhưng đòi hỏi người múa phải tập trung cao độ, biết cảm nhận âm nhạc và kết hợp giữa múa và giai điệu của các loại nhạc cụ truyền thống. Động tác khó và quan trọng nhất là di chuyển đôi chân. Người múa chiêu không bao giờ được để bàn chân rời khỏi mặt đất, trong khi mỗi bàn chân luôn phải điều khiển nhịp nhàng sao cho hòa chung với nhịp chiêng, nhịp cồng và tiếng trống. Khi tiếng cồng, chiêng, trống vang lên, những người phụ nữ Hà Lăng duyên dáng trong những bộ váy áo truyền thống cùng nhau múa chiêu dưới mái nhà rông, tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc, nhưng không kém phần quyến rũ. Khi người phụ nữ múa điệu chiêu, dù tư thế có xoay về hướng nào, hai cánh tay vẫn luôn giữ nguyên tư thế, đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm vào nhau. Vật dụng không thể thiếu trong điệu múa chiêu là tấm khăn choàng thổ cẩm, với màu sắc được phối hợp đẹp mắt, do chính những người phụ nữ trong làng tự tay dệt nên.
Nghệ nhân Y Ni (thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi) vui vẻ nói: "Từ xa xưa, trong văn hóa của dân tộc Hà Lăng, các lễ hội cộng đồng đã xuất hiện điệu múa chiêu. Điệu múa này đã được các bà, các mẹ truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hầu hết phụ nữ Hà Lăng ở xã Rờ Kơi đều biết múa chiêu".
Theo các nghệ nhân người dân tộc Hà Lăng, động tác múa chiêu xuất phát và gắn liền với hoạt động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của bà con, như: Gieo hạt, trỉa lúa... Người phụ nữ Hà Lăng đã sáng tạo, khéo léo khi đưa hình ảnh cánh chim chao lượn, trở thành những động tác múa nhịp nhàng, độc đáo, tạo nên một vẻ đẹp đầy quyến rũ của người phụ nữ.
Nghệ nhân trẻ Y Tuen (thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi) bày tỏ: “Tôi nghe các già làng kể lại rằng, khi các bà đi làm nương rẫy, thấy con chim nó bay đẹp quá, nên đã đưa vẻ đẹp sải cánh của con chim vào điệu múa, giúp cho cuộc sống thêm vui tươi. Đồng thời, điệu múa này cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho sự mạnh mẽ, vươn lên của đồng bào. Thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn gìn giữ và phát huy điệu múa chiêu truyền thống của dân tộc mình nên chúng tôi cũng kết hợp sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại cho phù hợp với thực tế hiện nay”.
Cùng với cồng, chiêng, múa chiêu là điệu múa truyền thống của người Hà Lăng, thường được phụ nữ trình diễn trong các dịp lễ hội. Đây là điệu múa nghi lễ cổ, có từ thời xa xưa thể hiện sự thành kính của những người dân làng đối với các vị thần linh. Điệu múa mang hồn cốt dân tộc, là cầu nối, cách giao tiếp giữa con người với thần linh, tổ tiên. Ngoài ý nghĩa tâm linh, điệu múa chiêu còn có tính cộng đồng rất cao. Múa chiêu của người Hà Lăng còn ẩn chứa thế giới quan, nhân sinh quan.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các nghệ nhân duy trì tổ chức truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong đó có múa chiêu cho thế hệ trẻ.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: “Thông qua các sự kiện liên hoan văn hóa, đã tạo điều kiện cho các nghệ nhân có động lực trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, để thế hệ trẻ hiện nay không quên văn hóa dân tộc mình”.
Đối với người Hà Lăng, múa chiêu không chỉ là điệu múa nghệ thuật độc đáo, mà còn mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi. Nét độc đáo của điệu múa chiêu đã góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa của người Hà Lăng. Ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại hối hả, không ít giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một, lãng quên. Việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xã hội đương đại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Thúy Hạnh