Điều 35 Nghị định 08 quy định: "Nguyên vật liệu mua bán với thương nhân nước ngoài được chỉ định giao nhận tại Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu sẽ không phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và không phải chịu thuế".
Trước vấn đề đề xuất bãi bỏ hoàn toàn cơ chế này, nhiều doanh nghiệp của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lo rằng, đề xuất sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu, cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ nhiều năm nay, các đối tác nhập khẩu sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam khi mua nguyên phụ liệu của các đối tác doanh nghiệp nội địa Việt Nam sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Như vậy, chi phí cho đối tác nước ngoài sẽ giảm, đồng thời tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày tại Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội dệt may Việt Nam - cho biết: "Hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sản xuất ra, không phải nhập khẩu từ nước ngoài, các doanh nghiệp vì vậy sẽ lựa chọn hình thức FOB hoặc cao hơn một chút như ODM. Điều này tạo điều kiện cho ngành sản xuất phụ trợ ngành dệt may được phát triển và tạo nên một chuỗi liên kết, từ khâu sợi cho đến khâu dệt cho đến khâu cắt may. Và tôi thấy đây là vấn đề rất thuận lợi cho các doanh nghiệp."
Cơ chế “xuất nhập khẩu tại chỗ” giúp các đối tác nước ngoài không phải chịu thuế giá trị gia tăng các giao dịch nguyên liệu và tăng khoảng 50% tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày và dệt may của Việt Nam. Như vậy, nếu xóa bỏ cơ chế thì doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày, cũng như các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam, sẽ phải đối mặt với việc chỉ nhận được đơn hàng gia công.
Theo khảo sát của Eurocham, việc bãi bỏ chính sách thuế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài giảm động lực phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bãi bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may, da giày, điện tử. Do vậy, các hiệp hội đã đề xuất giữ nguyên hiệu lực của cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã được hình thành 26 năm qua và làm minh bạch hơn những điều kiện để cơ chế được thực thi hiệu quả hơn.
Thu Hòa
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/giu-nguyen-hay-xoa-bo-co-che-xuat-nhap-khau-tai-cho-301380.htm