Lan tỏa ngôn ngữ Tày, Nùng thông dạy hát then, đàn tính.
Khát vọng lan tỏa
Em Trần Tuấn Minh, học sinh lớp 12A1, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) bắt đầu tiếp xúc với hát then từ năm 12 tuổi khi còn là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Văn Quan (Lạng Sơn).
Minh tâm sự: "Em rất muốn lan tỏa làn điệu hát then đến mọi người, bởi giai điệu ấy vô cùng đặc biệt. Lời hát của then có thể truyền tải được rất nhiều câu chuyện ý nghĩa. Đây cũng là một phần bản sắc không thể thiếu trong văn hóa đời sống của người Tày - Nùng".
“Trước đó, em chỉ nghe hiểu và biết nói một chút tiếng dân tộc do ông bà, bố mẹ thỉnh thoảng sử dụng nhưng không thường xuyên”, nam sinh chia sẻ.
Em Trần Tuấn Minh, học sinh lớp 12A1, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tham gia biểu diễn hát then, đàn tính. Ảnh NVCC.
Từ những bài hát đầu tiên bằng tiếng Tày, Nùng, Minh dần nâng cao vốn ngôn ngữ dân tộc, học được nhiều từ mới và tự tin hơn khi sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.
“Sau khi học hát then, em đã biết thêm rất nhiều từ vựng mới và cách diễn đạt của em trở nên tự nhiên hơn. Giờ em đã có thể nói tiếng dân tộc thành thạo với gia đình”, Minh nói.
Không dừng lại ở việc nâng cao vốn từ, học hát then còn giúp Tuấn Minh mở ra cánh cửa khám phá những giá trị văn hóa của dân tộc. Qua lời hát Then, em hiểu hơn về lịch sử, phong tục, tín ngưỡng và đời sống tinh thần phong phú của người Tày – Nùng. Qua đó, Minh cảm thấy trân trọng và nhận thức được trách trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa.
Ban đầu, việc học đàn tính là một thử thách không nhỏ đối với Minh vì chưa từng được tiếp xúc. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo và nỗ lực chăm chỉ luyện tập, em đã làm chủ được cách phối hợp nhịp nhàng giữa cây đàn và giọng hát.
Nhận thấy tiềm năng và đam mê của học sinh, nhà trường đã thành lập CLB Dân ca Hoa Hồi xanh. Từ đó, Tuấn Minh cùng các bạn bắt đầu đi biểu diễn tại các trường học và cơ quan trong huyện. Khi chuyển lên học tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Minh tiếp tục tham gia biểu diễn ở các sự kiện cấp tỉnh và trung ương, nơi em có cơ hội đưa làn điệu quê hương đến với cộng đồng lớn hơn.
“Lần đầu tiên được biểu diễn, em cảm thấy rất vui vì sau bao ngày luyện tập, cuối cùng cũng được đứng trên sân khấu. Khi cất tiếng hát trước mọi người, em thực sự tự hào vì đã có cơ hội giới thiệu tiếng nói và bản sắc dân tộc Tày - Nùng”, Minh nói.
Dù hiện tại không còn gắn bó với CLB Hoa hồi xanh do điều kiện học tập, nhưng Minh vẫn tiếp tục lan tỏa giá trị của hát then tới bạn bè ở môi trường mới.
“Tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, có rất nhiều bạn đến từ các dân tộc và tỉnh thành khác nhau. Em muốn dùng hát then như một cầu nối để đưa tiếng nói của dân tộc mình, cũng như góp phần giao lưu bản sắc văn hóa giữa các dân tộc với nhau”, Minh bày tỏ.
Truyền lửa tiếng nói dân tộc
Không chỉ là một nét văn hóa đặc sắc, hát then còn là nhịp cầu kết nối thế hệ trẻ với cội nguồn dân tộc. Với thầy Phùng Văn Thời, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội Văn Quan (Lạng Sơn), việc gìn giữ và lan tỏa làn điệu then không chỉ là trách nhiệm của người làm giáo dục, mà còn là tâm huyết của một người con dân tộc Nùng.
“Hát then, đàn tính là nét văn hóa rất độc đáo của dân tộc Tày – Nùng. Nếu không truyền dạy cho thế hệ sau, những giá trị đó sẽ dần mai một. Chính vì vậy, tôi mong muốn góp một phần nhỏ trong việc giữ lửa văn hóa, bắt đầu ngay từ môi trường học đường”, thầy Thời chia sẻ.
Cùng vốn yêu thích hát then từ khi còn nhỏ, thầy Thời mang theo tình yêu ấy vào sự nghiệp giảng dạy. Tháng 9/2020, khi được phân công về công tác tại Trường Trường Phổ thông Dân tộc nội Văn Quan, thầy Thời bắt tay vào xây dựng mô hình dạy hát then cho học sinh. Bắt đầu từ những lớp học nhỏ lẻ, nơi thầy trực tiếp hướng dẫn các em từng câu hát, từng phím đàn, đến tháng 4 năm 2021, khi đã đủ điều kiện về người dạy, học sinh và trang thiết bị, Câu lạc bộ Dân ca “Hoa hồi xanh” chính thức ra đời.
Thầy Phùng Văn Thời, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội Văn Quan (Lạng Sơn) dạy học sinh hát then, đàn tính.
“Tên gọi Hoa hồi xanh mang nhiều ý nghĩa bởi Văn Quan là vùng đất nổi tiếng lấy cây hồi làm cây công nghiệp chủ lực. Hoa hồi tượng trưng cho quê hương Xứ Lạng, còn màu xanh là màu của tuổi trẻ, của núi rừng bạt ngàn và sức sống mới. Tôi muốn CLB này không chỉ là nơi học hát, mà là nơi ươm mầm tình yêu văn hóa trong mỗi học sinh”, thầy Thời lý giải.
Từ khi thành lập, CLB trở thành điểm hẹn của những học sinh yêu thích dân ca. Không khí luyện tập sôi nổi, say mê vang lên mỗi chiều sau giờ học. Nhiều em từ chỗ chưa biết hát then, chưa từng chạm vào đàn Tính, nay đã có thể vừa đàn vừa hát điêu luyện, tự tin biểu diễn trên sân khấu.
Không chỉ là nơi rèn luyện kỹ năng đánh đàn, hát then CLB còn là mô hình giáo dục văn hóa tích hợp, giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ dân tộc một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, thay vì những tiết học lý thuyết truyền thống.
Thầy Thời cho biết, thông qua mô hình ngoại khóa như Câu lạc bộ dân ca, học sinh có thể tiếp cận tiếng dân tộc một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn. Hát then cũng chính là cách giúp các em thấm nhuần văn hóa và ngôn ngữ dân tộc qua từng lời ca, điệu nhạc.
Với thầy, hát then không chỉ dừng lại ở vai trò gìn giữ tiếng nói dân tộc Tày – Nùng, mà còn đang mở rộng ra cộng đồng, thậm chí vươn tầm quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hát Then đã được sáng tác thêm bằng tiếng phổ thông (tiếng Kinh) nhằm mở rộng chủ đề, phản ánh đời sống hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để nhiều đối tượng hơn tiếp cận với di sản này.
“Hát Then bây giờ không chỉ dành riêng cho người Tày – Nùng nữa. Có những bài hát được viết lại bằng cả tiếng Kinh để truyền bá rộng rãi hơn. Tôi nghĩ, đó là cách để dân ca không bị bó hẹp trong phạm vi bản làng, mà có thể vươn xa, thậm chí ra thế giới”, thầy Thời chia sẻ thêm.
Thực tế, đã có những nghệ sĩ đưa hát Then đến biểu diễn tại Pháp, một dấu mốc cho thấy giá trị phổ quát và sức lan tỏa của Then trong bối cảnh toàn cầu hóa.
“Tôi rất vui khi thấy hát Then không còn là một nét văn hóa nằm im trong ký ức, mà đang được trẻ hóa và lan tỏa tới nhiều đối tượng. Với tôi, chỉ cần mỗi thế hệ học sinh biết và yêu một vài câu Then, hiểu một chút về ngôn ngữ dân tộc mình, thì đã là thành công”, thầy Thời nói.
Then là một trong những làn điệu dân ca đặc sắc nhất của người Tày, Nùng. Với lời ca mộc mạc, sâu sắc hòa quyện cùng tiếng đàn Tính ngân nga, hát Then thể hiện ước vọng bình an, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Từ những nghi lễ truyền thống, hiện nay hát Then đã được đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc, góp phần gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa.
Đức Duy - Phùng Ánh