Không ai bị bỏ lại phía sau
Chị Lô Thị Nga (dân tộc Thái; ở Bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) kể, trước đây, khi chưa có dịch vụ công trực tuyến, mỗi lần gia đình chị phải làm giấy tờ, thủ tục hành chính đều phải thức dậy từ 4 giờ sáng, trèo đèo lội suối ra huyện, xã; đi về mất cả ngày rất mệt mỏi, tốn kém công sức. Thậm chí, có những lần chị phải đi lại mất vài ngày mới làm xong vì quên giấy tờ, nhiều thủ tục chị không nắm rõ. Thời gian trước, chị được hỗ trợ cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID và ứng dụng chuyển tiền trực tuyến nhưng không dám sử dụng vì sợ sai.
Đội hình “Bình dân học vụ số” Huyện Đoàn Anh Sơn hỗ trợ vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Lý cách nhận biết các chiêu trò lừa đảo trên mạng
“Mỗi lần chạm đến mấy ứng dụng đó, tôi run lắm, cứ thấy phức tạp nên dù con cái khuyên nhủ thế nào tôi cũng không dám làm. May mắn, trong những ngày tháng Ba, tôi được các bạn đoàn viên, thanh niên đến tận nhà tuyên truyền, đả thông tư tưởng, rồi cầm tay chỉ việc từng thao tác nhỏ, tôi dần thay đổi”, chị Nga chia sẻ.
Qua vài lần được các bạn đoàn viên, thanh niên trong đội hình tình nguyện “Bình dân học vụ số” hướng dẫn, giờ chị Nga đã tự tin sử dụng thành thạo các thao tác trực tuyến như đăng ký làm hộ chiếu trực tuyến; sử dụng ví điện tử, chuyển tiền trực tuyến,… để thanh toán các khoản như tiền học phí cho con, tiền điện, nước…
“Tôi vui lắm! Tự tin thao tác các dịch vụ trực tuyến, làm một công dân số thực thụ, tôi thấy mình hiện đại hẳn. Mọi thứ thật tiện ích và đơn giản khi mình thành thạo công nghệ số”, chị Nga nói.
“Bình dân học vụ số không chỉ là một phong trào, mà còn là một chủ trương có ý nghĩa chiến lược, là cơ hội lịch sử để mỗi người dân Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai và là động lực để đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong đó, tuổi trẻ phải là lực lượng xung kích nhất”.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy (phát biểu tại lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, ngày 26/3)
Chị Nga mong, thời gian tới, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ được các bạn trẻ tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt đến đồng bào vùng sâu, vùng xa, để bà con đỡ vất vả, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao hơn.
Anh Lê Văn Dũng - Bí thư Huyện Đoàn Thanh Chương cho biết, chị Lô Thị Nga là một trong rất nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy về kỹ năng số, chuyển đổi số từ phong trào “Bình
dân học vụ số”. “Từ chỗ sợ công nghệ, qua các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, người dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất phấn khởi trở thành một công dân số thực thụ, tự tin giải quyết công việc, thủ tục hành chính đơn giản bằng hình thức trực tuyến”, anh Dũng chia sẻ.
ĐVTN xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương tranh thủ buổi tối đến nhà dân hỗ trợ chuyển đổi số
Thanh Chương là một huyện trung du miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, với diện tích hơn 1.228 km2, hơn 250.000 người. Bà con nông dân chủ yếu sản xuất, canh tác nông, lâm nghiệp, điều kiện để tiếp xúc với công nghệ, chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”, đoàn viên, thanh niên của huyện đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để hỗ trợ người dân. Toàn huyện đã thành lập hơn 29 đội hình thanh niên “Bình dân học vụ số” với gần 500 thành viên là những cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt, các bạn thanh niên am hiểu, có kiến thức chuyên sâu về chuyển đổi số tại các xã, thị trấn.
Các cơ sở Đoàn đã triển khai hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng VNeID để quản lý giấy tờ cá nhân số hóa; hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội, các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; phòng chống các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội; sử dụng các ứng dụng ngân hàng và cách bảo mật thông tin…
“Do người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, ban ngày đi làm nên các đội hình thanh niên tình nguyện lựa chọn buổi đêm đến từng xóm, bản, đi từng ngõ, gõ từng nhà để gặp từng người dân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhiều gia đình ở xa, đường sá đi lại khó khăn nhưng các tình nguyện viên vẫn kiên trì đến từng nhà với mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau trong phong trào Bình dân học vụ số”, anh Dũng cho biết.
Phòng chống lừa đảo trực tuyến
Huyện Anh Sơn là một trong những địa phương được bạn trẻ tích cực hưởng ứng phong trào bằng cách tận dụng thời gian buổi tối khi bà con đi làm đồng áng, nương rẫy về để hỗ trợ “cầm tay chỉ việc” kỹ năng số. Từ những bản làng xa xôi như Bản Vều (xã Phúc Sơn), Bản Đông Thọ (xã Thọ Sơn), đều có bước chân tình nguyện của bạn trẻ đến hỗ trợ người dân.
Anh Nguyễn Sỹ Chung, Phó Bí thư Huyện Đoàn Anh Sơn cho biết, ban ngày hầu hết bà con đi làm ngoài đồng, trên nương rẫy nên muốn gặp gỡ cũng khó. Một bộ phận người dân còn rất hạn chế và tâm lý e ngại thử cái mới, nhất là công nghệ, các đội hình tình nguyện phải dành thời gian đến tận nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục để họ thay đổi nhận thức. “Chúng tôi phải gặp gỡ tuyên truyền, hỗ trợ vài lần họ mới dần vượt qua tâm lý ngại khó để mở lòng học hỏi. Vì thế, đòi hỏi mỗi thành viên đội tình nguyện phải kiên trì”, anh Chung nói.
Qua quá trình tiếp xúc, anh Chung nhận thấy, tình trạng người dân bị lừa đảo trực tuyến khá phổ biến, kể cả những người có hiểu biết nhất định. Có những người bị lừa xong, họ sinh ra tâm lý lo sợ sử dụng công nghệ, đặc biệt là giao dịch trực tuyến. “Chúng tôi vừa phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, vừa trang bị kỹ năng, kiến thức để người dân tự tin bảo vệ mình trước các thông tin xấu, độc lừa đảo trên mạng”, anh Chung cho biết.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Lý (SN 1945), là giáo viên về hưu tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, từng nhận nhiều cuộc gọi lừa đảo trên mạng. Ông bà được con cái sắm cho 2 chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, từ ngày nhận các cuộc gọi lừa đảo, nghe hàng xóm kể các vụ lừa chiếm đoạt tài sản trên mạng, ông bà cảnh giác đề phòng hạn chế sử dụng, không dám nhận lương hưu qua thẻ ngân hàng. Anh Chung và đội tình nguyện “Bình dân học vụ số” đã đến nhà tuyên truyền, giải thích cho ông bà hiểu, cùng đó, trang bị kỹ năng nhận diện, phòng tránh lừa đảo.
Chị Nguyễn Thị Phương Thúy - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, trong tháng 3/2025, cả tỉnh thành lập 454 đội hình thanh niên tình nguyện “Bình dân học vụ số” triển khai hơn 682 hoạt động tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho hơn 25.000 đoàn viên, thanh niên, người dân. Ngay từ những ngày đầu Tháng Thanh niên 2025, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh Nghệ An đã sôi nổi hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả địa bàn trên toàn tỉnh Nghệ An đều có đội hình tình nguyện “Bình dân học vụ số” hoạt động rất tích cực. Nhiều địa bàn, các bạn tình nguyện viên đi từng ngõ, gõ từng nhà vào ban đêm để gặp gỡ trực tiếp, hướng dẫn người dân một cách cụ thể chi tiết nhất.
Hơn 4.000 đội hình tình nguyện “Bình dân học vụ số”
Theo kết quả tuần 3 của Tháng Thanh niên 2025, các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước đã duy trì và triển khai mới hơn 4 nghìn đội hình thanh niên tình nguyện “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức hơn 3 nghìn hoạt động hỗ trợ tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho hơn 189 nghìn người dân (đạt 97% chỉ tiêu đăng ký). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của tuổi trẻ cả nước được xác lập trong Tháng Thanh niên 2025 nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của T.Ư Đoàn thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
LƯU TRINH