Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở Berlin, Đức ngày 8/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Goldman Sachs, căng thẳng thương mại mới với Mỹ, áp lực tăng chi tiêu quốc phòng lên châu Âu và niềm tin kinh doanh sụt giảm do rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ là những trở lực lớn nhất đối với khu vực.
Trước đây, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố Mỹ chi quá nhiều tiền để bảo vệ đồng minh tại châu Âu, đặt câu hỏi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gợi ý giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Goldman Sachs dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 20 nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ tăng 0,8% trong năm tới, giảm so với mức dự báo 1,1% trước đó.
Các nhà phân tích của ngân hàng này nhận định phần lớn lực kéo lùi tăng trưởng đến từ bất ổn chính sách thương mại. Họ cho rằng mức độ tăng thuế quan thực tế có thể không quan trọng như những bất ổn đến từ lời đe dọa áp thuế lên châu Âu của ông Trump.
Nền kinh tế mở của châu Âu được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước chính sách bảo hộ của ông Trump, khi ứng viên đảng Cộng hòa này cam kết áp thuế cao đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu trong chiến dịch tranh cử.
Cách tiếp cận đối đầu của ông Trump đối với quan hệ thương mại cũng làm suy yếu các nguyên tắc thương mại mở và cạnh tranh. Chúng vốn là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ và mang tới nhiều lợi ích cho Liên minh châu Âu (EU), một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới.
Cụ thể hơn, Goldman Sachs dự đoán sẽ một số thuế quan đối với các nền kinh tế châu Âu, nhắm mục tiêu chủ yếu vào xuất khẩu ô tô của họ. Điều này báo hiệu nhiều khó khăn hơn cho nền kinh tế trì trệ của Đức và nhà sản xuất lớn nhất nước này, Volkswagen (VW) vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Goldman Sachs hiện dự báo nền kinh tế Đức sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm tới do căng thẳng thương mại. Con số trên chỉ hơn một nửa so với dự báo tăng trưởng 0,9% trước đó. Ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng của Anh năm 2025 từ 1,6% xuống 1,4%.
Ô tô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Mặc dù Mỹ chiếm chưa đến 10% tổng doanh số của tập đoàn, VW nhận thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn ở quốc gia này, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện.
Trong khi đó, ngân hàng Berenberg dự báo kết quả bầu cử Mỹ sẽ tác động nhỏ hơn đối với GDP của Eurozone.
Ngân hàng tư nhân này đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm tới giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1%. Lý do là tác động lan tỏa tạm thời từ nhu cầu nội địa của Mỹ gia tăng và đồng USD mạnh hơn, khiến hàng xuất khẩu của châu Âu rẻ hơn và phần nào bù đắp tác động của thuế quan lẫn căng thẳng thương mại.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Berenberg, Holger Schmieding cho hay đối với các doanh nghiệp châu Âu, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đồng nghĩa với rủi ro chính sách thương mại và bất ổn địa chính trị đáng kể.
Ông chia sẻ giả định rằng ông Trump ban đầu sẽ chỉ áp đặt thuế quan có chọn lọc nhưng gây chú ý, đồng thời đe dọa sẽ đi xa hơn nếu Trung Quốc và châu Âu không đưa ra những nhượng bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán.
Hương Thủy (Theo Reuters)