Ký ức những ngày “rực lửa”
Hòa chung với không khí hân hoan, vui mừng cùng cả nước thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025), chúng tôi có mặt tại nhà cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ, ở tổ dân phố số 7, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Qua giới thiệu của ông Lù Văn Chung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, thì cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ là một trong những người đã trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ luôn trân trọng gìn giữ những tấm huân chương, huy chương được trao tặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ câu chuyện của mình, ký ức về những ngày “rực lửa” dần được cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ kể lại tường tận. Theo chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ, tháng 5-1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Sỹ chia tay người thân và bạn bè lên đường nhập ngũ.
Sau 3 tháng huấn luyện, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Quảng Trị. Đầu năm 1973, Nguyễn Tiến Sỹ được cử đi học chuyên ngành Cơ yếu. Kết thúc 2 năm đào tạo, tháng 3-1975, ông được biên chế về Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 206 Tăng thiết giáp (Quân khu 4) trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Với nhiệm vụ tăng cường cho các đơn vị Tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ, ông Sỹ đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn Bộ binh 48, Sư đoàn 320 (nay là Trung đoàn Bộ binh cơ giới 48, Sư đoàn 320). Trong vai trò của người chiến sĩ cơ yếu, ông Sỹ đã cùng đồng đội dịch và truyền tải hàng nghìn bức điện của cấp trên tới chỉ huy đơn vị, trong đó có những bức điện thượng khẩn, tối khẩn. Công việc giải mã thông tin đòi hỏi phải nhanh, chính xác 100%, không được phép sai sót, đặc biệt là thông tin chỉ đạo của cấp trên đối với đơn vị đang chiến đấu tại mặt trận và báo cáo kịp thời tình hình chiến trường để chỉ huy đơn vị đề ra phương án tác chiến phù hợp.
Tất cả cho tiền tuyến
Với vai trò hậu phương đối với tiền tuyến lớn, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất, tích cực chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Đáp lời tiền tuyến gọi, hậu phương sẵn sàng”, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thực hiện cuộc vận động Toàn dân chi viện tiền tuyến. Khắp các địa bàn từ vùng thấp đến vùng cao sôi nổi phong trào tòng quân, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Một góc bờ sông Nậm Rốm, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên hôm nay.
Hưởng ứng cuộc vận động của Đảng bộ tỉnh Điện Biên, có gia đình đã tiễn đến người con thứ 3, thứ 4 ra mặt trận. Nhiều nam, nữ thanh niên hoãn ngày cưới, ngày nhập học vào các trường chuyên nghiệp để lên đường nhập ngũ.
Theo ghi nhận, chỉ tính riêng năm 1974, số người nhập ngũ của huyện Điện Biên vượt chỉ tiêu 40%; Tuần Giáo, Mường Lay vượt 20%; Tủa Chùa đạt 100%. Thanh niên các dân tộc tỉnh Điện Biên đều hứa quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Theo thống kê, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên đã chi viện cho chiến trường miền Nam 9.274 thanh niên, cán bộ.
Thiếu nữ dân tộc Thái cùng bạn tạo dáng bên hàng hoa Ban.
Cùng với việc chi viện nhân lực cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã anh dũng đánh trả 648 trận, phối hợp bắn rơi tại chỗ 14 máy bay phản lực, bắn bị thương 45 chiếc khác trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.
Đặc biệt, nhiều nơi, dân quân, du kích đã dùng súng bộ binh bắn rơi, bắn bị thương máy bay Mỹ, như: Dân quân xã Thanh An, huyện Điện Biên; dân quân xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo (nay thuộc huyện Mường Ảng). Những người phụ nữ đầu tiên của Điện Biên đã trực tiếp dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ, như: Lò Thị Ún, Lò Thị Oi, Quàng Thị Son...
Trong 3 năm (từ 1973 đến 1975), tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn. Phát huy tinh thần chiến thắng, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện triệt để chính sách hậu phương quân đội, góp phần xây dựng quân đội nhân dân ngày càng vững mạnh. Các cơ quan quân sự, bộ đội địa phương được củng cố về mọi mặt, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu, hăng hái tham gia xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, phát huy vai trò xung kích trong lao động sản xuất, định canh định cư, hợp tác hóa nông thôn.
Bài và ảnh: THÙY BIÊN