Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội cấm xe máy xăng trong khu vực vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030, tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Đây được xem là cơ hội lớn để ngành vận tải ô tô Việt Nam chuyển mình theo xu hướng xanh, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế bền vững.
Cơ hội lớn cho ngành vận tải ô tô
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: "Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ là một cơ hội để ngành vận tải phát triển mạnh mẽ, đặc biệt vận tải xe bus và các phương tiện nhỏ, có khả năng đi vào các ngõ bé của khu vực nội thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tới các trường học, công viên, siêu thị, bệnh viện…
Việc chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông điện chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP26”.
Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp để đến ngày 1/7/2026, không có xe máy xăng lưu thông trong Vành đai 1. Ảnh minh họa
Về vấn đề cơ sở hạ tầng, ông Quyền cho rằng, các trạm sạc điện phải được quy hoạch và triển khai rộng rãi như các trạm xăng hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện trong tương lai, việc mở rộng mạng lưới trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Ông cũng đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Ông cũng khẳng định rằng, trong dài hạn, ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững. "Việc chuyển sang xe điện không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội việc làm mới trong ngành công nghiệp ô tô điện, từ sản xuất xe đến các dịch vụ liên quan như trạm sạc, bảo trì. Tuy nhiên, vấn đề giá mua xe điện còn cao hơn so với xe xăng là một thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vận tải lớn", ông Quyền nhận định.
Trước thực tế đó, chuyên gia này kỳ vọng Nhà nước nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp, như cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi và giảm thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào phương tiện xe điện.
"Chính phủ cần có các chính sách rõ ràng và lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Các doanh nghiệp sẽ cần được hỗ trợ không chỉ về tài chính mà còn về đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện sử dụng năng lượng điện”, ông nói thêm.
Nhìn về dài hạn, ông Quyền nhận định rằng Chỉ thị 20 sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Việc chuyển đổi sang xe điện sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, qua đó thúc đẩy nền kinh tế xanh, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường", ông Quyền cho hay.
Hà Nội nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đổi xe điện
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, hiện đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1. Thành phố sẽ báo cáo với Thành ủy và trình Hội đồng Nhân dân để xem xét việc ban hành các chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi, bao gồm lệ phí trước bạ và phí đăng ký xe điện mới.
Cùng với chính sách chuyển đổi phương tiện cá nhân, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông xanh để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Cụ thể, thành phố dự định tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8 - 12 chỗ) và xe điện 4 chỗ phục vụ việc trung chuyển nội đô tại khu vực Vành đai 1.
Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, trong đó các tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đã đi vào hoạt động tại khu vực này. Các tuyến Hồ Tây - Hòa Lạc và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ được triển khai tiếp theo.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, điều quan trọng là các Thành phố Hà Nội cần phải tăng cường quy hoạch và xác định diện tích phù hợp để xây dựng các trạm sạc điện. Trạm sạc điện có diện tích lớn hơn các cây xăng thông thường, vì quá trình sạc lâu hơn so với việc bơm xăng. Vì vậy, việc quy hoạch các vị trí trạm sạc cần phải được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng từ sớm để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển giao thông điện trong tương lai.
Minh Khánh