Hà Nội kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Hà Nội kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
4 giờ trướcBài gốc
Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới của Thủ đô, Đài Hà Nội tổ chức lại lực lượng nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ vừa là tờ báo nói của Thủ đô, vừa là công cụ đắc lực của Hội đồng Phòng không Nhân dân Thành phố, phục vụ hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu.
Đồng thời, với xây dựng mạng lưới truyền thanh, Đài đã đặt đường dây điện thoại trực tuyến và dây truyền âm từ Hội đồng Phòng không Nhân dân Thành phố nối thẳng đến trạm máy trung tâm 47 Hàng Dầu.
Hàng trăm loa phát thanh được đặt khắp nội, ngoại thành trong những ngày đánh Mỹ.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố, kiêm Chủ tịch Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố đã trực tiếp phát biểu trên Đài và hướng dẫn, động viên nhân dân làm tốt công tác phòng không.
Để phục vụ trực tiếp công tác phòng không, Đài đã ghi âm tiếng còi tầm của thành phố làm còi báo động, báo yên, chuẩn bị sẵn nội dung thông báo theo sự chỉ đạo của Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố.
Ngày 26/5/1965, tiếng còi báo động phòng không lần đầu tiên phát ra trên hệ thống truyền thanh, cùng một lúc đến với mọi người dân ở nội thành và ngoại thành.
Chị Hoa Bích Dung, một trong những phát thanh viên của Đài Hà Nội thời kỳ chống Mỹ.
Ngày 29/6/1966, máy bay Mỹ mở cuộc tấn công lớn, ném bom bắn phá kho xăng dầu Đức Giang, hôm sau lại đánh bom kho xăng dầu ở huyện Đông Anh. Lần đầu tiên, phóng viên và công nhân truyền thanh thực sự vào trận, đưa tin chiến đấu, vạch trần tội ác của giặc Mỹ giết hại đồng bào. Nhóm phát thanh viên luân phiên thường trực 24/24 giờ trong ngày.
Tiếng bom đạn vừa ngưng, khói lửa còn mịt mù, các phóng viên của Đài như Đỗ Gia Bính, Nguyễn Tấn Phúc, Bùi Dư…đã kịp thời đến hiện trường ghi lại cuộc chiến đấu và khắc phục hậu quả của cán bộ và công nhân ở đây.
Phóng viên Đài Hà Nội thu âm tại hiện trường máy bay địch bắn phá Hà Nội.
Sau những trận máy bay Mỹ đánh phá, hệ thống đường dây truyền thanh được sửa chữa kịp thời.
Khi bước vào thời kỳ chiến đấu ác liệt, để phục vụ tuyên truyền chiến đấu và các mặt công tác phòng không nhân dân được nhanh nhất, Đài cử một nhóm phóng viên làm việc ngay tại hầm chỉ huy phòng không. Nhóm phóng viên này gồm có Đặng Văn Thú, Bùi Dư, Bùi Kim, kết hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thủ đô, nắm tình hình chiến sự báo cáo về Đài, đồng thời viết tin, bài cho chương trình phát thanh. Nhờ đó, thông tin chiến sự luôn kịp thời, chính xác, góp phần khích lệ, động viên tinh thần sản xuất, chiến đấu của nhân dân Thủ đô.
Nhân dân Hà Nội theo dõi thông tin về Hội nghị đàm phán hòa bình giữa Việt Nam và Mỹ tại Paris qua hệ thống truyền thanh công cộng (1968). Ảnh TTXVN
Nữ nhà báo đồng thời là nghệ sĩ điện ảnh Ba Lan E-len Man-ka đã trực tiếp đến Đài đề nghị được quay phim, thu tiếng nói của nữ phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn. Theo bà, “Tiếng nói đĩnh đạc, rõ ràng vượt lên trên tiếng súng phòng không và tiếng gầm rít của máy bay Mỹ, đã làm mọi người không những yên tâm, mà còn phấn khởi hẳn lên khi được nghe tin chiến thẳng bắn rơi máy bay Mỹ”.
Những tin, bài của các phóng viên, biên tập viên của Đài, cùng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam từ các trạm máy phát ra hệ thống truyền thanh, ngay cả lúc chiến đấu ác liệt, đã góp phần làm nên huyền thoại mà cả thế giới ca ngợi: "Hà Nội - Lương tâm của thời đại - Thủ đô của phẩm giá con người".
Tại buổi lễ mừng chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 1/1973), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho Đài truyền thanh Hà Nội. Xí nghiệp truyền thanh của Đài được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Đài Hà Nội
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/ha-noi-kien-cuong-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-271317.htm