Hành động ngay để bảo vệ môi trường
* Phóng viên: Thực trạng môi trường ô nhiễm không khí Hà Nội đã thấy rất rõ qua các số liệu quan trắc của nhiều năm qua. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, từ cơ sở sản xuất, giao thông, đến những hoạt động dân sinh… Theo ông, việc tập trung giảm thiểu tác động ô nhiễm từ những phương tiện giao thông sẽ là giải pháp hiệu quả?
TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam
* TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam: Trên thế giới có nhiều bài học giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Điển hình là TP Bắc Kinh (Trung Quốc), từng bị ô nhiễm nặng nề cách đây hơn 10 năm. Họ đã quyết tâm chỉ trong 1-2 năm chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện, bằng cách đầu tư lớn để chuyển đổi phương tiện, làm từ vùng lõi trước rồi mở rộng ra, kèm nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Kết quả là chất lượng không khí của TP Bắc Kinh đã được cải thiện cơ bản. Giải quyết ô nhiễm từ phương tiện giao thông cũng được nhiều thành phố châu Âu thực hiện. Họ thành lập các vùng phát thải thấp, chỉ cho những phương tiện xanh hoạt động, cấm hẳn những phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Tôi cho rằng, với tất cả các đô thị trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội, TPHCM, nguyên nhân ô nhiễm từ phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch là chắc chắn, với những nghiên cứu khoa học cùng những số liệu minh chứng. Do đó, việc sử dụng xe điện giảm tới 70% phát thải CO2 so với xe chạy xăng. Đã đến lúc chúng ta không nên băn khoăn là xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không, mà vấn đề là thực hiện ngay những giải pháp quyết liệt theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chúng ta sẽ làm từng bước, bắt đầu là xe máy.
Tuy nhiên, chính quyền và các cơ quan chức năng nên công bố sớm những chính sách hỗ trợ như an toàn mạng lưới trạm sạc, triển khai giao thông công cộng... Đấy cũng là kinh nghiệm của các nước, khi nhiều chính sách hỗ trợ rất công khai, minh bạch, kịp thời.
Động lực để thực hiện tốt Chỉ thị số 20 của Thủ tướng
* Có khá nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình việc hạn chế xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1, tuy nhiên cũng còn nhiều băn khoăn về những tác động của chủ trương này đến đời sống dân sinh, quan điểm của ông như thế nào?
* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Chủ tịch HĐTV Hà Nội Metro: Tôi cho rằng, việc hạn chế xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải gắn chặt với điều kiện để thực hiện, bởi đây là vấn đề có tác động rất lớn đến người dân. Chúng ta phải xác định phương tiện nào sẽ được sử dụng thay thế, chất lượng của dịch vụ vận tải hành khách công cộng ra sao, điều kiện hạ tầng nào để người dân có thể sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường... Suốt thời gian qua, TP Hà Nội đã hết sức nỗ lực tạo dựng những điều kiện để có thể triển khai chủ trương này, nhưng chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Chủ tịch HĐTV Hà Nội Metro
Tôi muốn nhấn mạnh là, Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ đề cập đến nhiệm vụ toàn diện cho tất cả các ngành, các lĩnh vực để thực hiện, liên quan đến việc cải thiện môi trường cho thủ đô, chứ không chỉ chuyện 1-7-2026 dừng mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1. Việc dư luận có nhiều ý kiến xoay quanh mục tiêu hạn chế mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch giống như câu chuyện ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Nghị định quy định xử phạt tất cả hành vi, nhưng ở thời điểm ban đầu, người dân chỉ quan tâm đến xử lý vi phạm nồng độ cồn, bởi nó có tác động quá rộng rãi. Sự quan tâm đặc biệt của người dân đã trở thành điểm nhấn, tạo sự lan tỏa rộng rãi, và nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu này sẽ là động lực để chúng ta thực hiện thành công tất cả những nhiệm vụ khác trong Chỉ thị số 20.
Có hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp
* Chủ trương hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào khu vực Vành đai 1 đã xác định rõ những mục tiêu, lộ trình cụ thể. Theo ông, kế hoạch này có khả thi? Phải làm gì để giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp?
* Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: TP Hà Nội hiện có hơn 6 triệu mô tô và xe gắn máy, cộng với khoảng 1,6 triệu ô tô. Với số lượng phương tiện lớn như vậy, TP Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ kiểm soát khí thải phương tiện. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nên cân nhắc phương thức triển khai để giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp. Theo tôi, chính quyền nên phân loại phương tiện, kèm theo niên hạn sản xuất để có kế hoạch chuyển đổi phù hợp, theo từng bước. Việc này có thể làm được vì các địa phương đã hoàn thành căn cước điện tử, định danh biển số xe.
Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
TP Hà Nội chỉ cần phối hợp lấy dữ liệu này để xây dựng kế hoạch đồng bộ, bài bản. Tiếp theo đó, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, đặc biệt quan tâm đến người nghèo, người thu nhập thấp. Các cơ quan chức năng cũng có kế hoạch, phương án kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng xe máy điện và thiết bị sạc, hạ tầng sạc tại chung cư, phòng ngừa cháy nổ.
Việc chuyển đổi phương tiện xanh là xu thế tất yếu, sau xe máy sẽ là ô tô. Đây cũng đang là một thách thức đối với các doanh nghiệp vận tải. Đơn cử, Hà Nội đang có 15.000 taxi chạy xăng và hàng chục ngàn xe hợp đồng, nên việc chuyển đổi cần nguồn vốn rất lớn. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nên có những hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực trong quá trình chuyển đổi phương tiện, ví dụ như cho vay hỗ trợ lãi suất, miễn thuế...
Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị, theo quy định hiện hành, biển số định danh có thể coi như tài sản doanh nghiệp, khi chuyển đổi sang xe xanh cần cấp lại toàn bộ biển số, miễn thu lệ phí biển số 20 triệu đồng; đồng thời miễn một số loại phí như phí môi trường, phí trước bạ đối với xe hybrid... Sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời như thế sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.
BÍCH QUYÊN thực hiện