TP. Hà Nội hiện có trên 24.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... Thời gian qua, biến đổi khí hậu và nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý san ủi đất rừng để xây dựng nhà ở, trang trại, homestay diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát đất rừng, phát sinh tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (ảnh minh họa).
Trước thực trạng này, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành công văn số 3840/UBND-NNMT, yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, UBND các xã, phường có rừng phải khẩn trương kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương nhằm bảo đảm các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả, kịp thời ngăn chặn xử lý các vụ phá rừng, cháy rừng.
Đặc biệt, Hà Nội yêu cầu xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, với các kịch bản linh hoạt, phù hợp từng địa bàn, sẵn sàng di dời người dân, tài sản, kho tàng khỏi khu vực nguy hiểm khi có cháy rừng.
UBND TP. Hà Nội giao Công an Thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ chủ động nắm tình hình địa bàn, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, quản lý đất lâm nghiệp.
Công an các xã, phường quản lý địa bàn có rừng được yêu cầu tổ chức tuần tra thường xuyên, phối hợp xử lý triệt để các “điểm nóng” về phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng. Những vụ việc xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp phải được xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật.
Song song đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã tăng cường trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Hà Nội cũng khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát rừng và phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng, phá rừng.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt từ chính quyền đến cơ sở, Hà Nội kỳ vọng kiểm soát hiệu quả tình trạng vi phạm đất rừng, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, phục vụ mục tiêu phát triển xanh của Thủ đô.
Theo PHÚC ÂN/Báo Công Luận
Link bài viết gốc