Hà Nội tán thành phương án, tên gọi 126 xã, phường mới

Hà Nội tán thành phương án, tên gọi 126 xã, phường mới
8 giờ trướcBài gốc
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ
Trước đó, trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, phương án sắp xếp được thực hiện đã bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập theo phương án trình đã đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đảm bảo mục tiêu có quy mô phù hợp với khả năng quản lý, quản trị và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn mới; là cơ sở để thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025 được thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô.
Đặc biệt, về kết quả thực hiện các bước trong quy trình thực hiện cho thấy phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đồng tình, thống nhất rất cao của cử tri Thủ đô, của HĐND các xã, thị trấn, HĐND các quận, huyện, thị xã của thành phố.
Trong đó, về phương án sắp xếp đạt 2.010.914 số phiếu đồng ý, tỷ lệ 97,36%; ý kiến cử tri hộ gia đình về tên gọi dự kiến đơn vị sau sắp xếp đạt 1.987.829 phiếu đồng ý, tỷ lệ 96,28%; có 38 xã đạt tỷ lệ 100%. Kết quả trên thể hiện sự đồng thuận nhất trí cao của cử tri và nhân dân với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025. 30/30 HĐND các quận, huyện, thị xã đều đã đồng ý thông qua.
Tuy nhiên vẫn còn 2,41% số cử tri đại diện hộ gia đình không đồng ý với phương án về tên gọi của đơn vị hành chính sau sáp nhập (đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý thấp nhất về tên gọi: huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì đạt từ 82% đến dưới 93%.)
Thông qua quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính
Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô) và quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).
Cụ thể, về quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Điều 5 Nghị quyết này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.
Đối với quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo nghị quyết, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Nghị quyết này. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Phi Long
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ha-noi-tan-thanh-phuong-an-ten-goi-126-xa-phuong-moi-post411849.html