Hà Nội thu hồi 56 địa điểm nhà, đất sử dụng không đúng mục đích

Hà Nội thu hồi 56 địa điểm nhà, đất sử dụng không đúng mục đích
3 giờ trướcBài gốc
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải dự.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Linh Phạm
Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phân công, phân nhiệm 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ (gồm 29/67 nhiệm vụ có thời hạn và 38/67 nhiệm vụ thường xuyên).
Sau hơn 1 năm triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, 15/29 nhiệm vụ có thời hạn đã hoàn thành hoặc báo cáo UBND thành phố.
Trong đó, nổi bật là việc xây dựng các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn lực tài sản công; phân cấp, ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản công; thống kê, phân loại nợ đọng nghĩa vụ tài chính của quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước và từng bước thu hồi, khắc phục; thu hồi các cơ sở nhà, đất sử dụng không đúng quy định để đưa vào khai thác, quản lý hiệu quả...
Các đơn vị đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 4 đề án thành phần khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công của thành phố đối với khối hành chính sự nghiệp và quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự hội nghị.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng không đúng quy định và đã thu hồi được 56 địa điểm (trong đó có 6 địa điểm là nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước; 42 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa nhà tái định cư). Hiện nay, UBND các quận, huyện đang tiếp tục cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại.
Trên cơ sở phân loại 3 nhóm nợ, gồm: Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay; nợ khó thu; nợ xấu, khó đòi, khả năng thu hồi nợ thấp, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương về phương án chi tiết thu hồi, xử lý các khoản nợ phải thu từ quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã đôn đốc, thu hồi được 227,9 tỷ đồng nợ đọng nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, quá trình triển khai đề án cũng gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến thiếu chủ động, giải pháp chưa hiệu quả. Mặt khác, một số nhiệm vụ quan trọng chưa kịp tiến độ; chất lượng triển khai, báo cáo một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu…
Ngoài ra, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa triển khai đề án kịp thời, đầy đủ; thiếu bộ máy chuyên trách về quản lý tài sản công tại các đơn vị; trình độ, kiến thức của cán bộ hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Linh Phạm
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, đề án có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá tổng quan thực trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, nhận diện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, thành phố có các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng 100% nhiệm vụ được giao tại đề án.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những mặt khó khăn, tồn tại. Tôi đề nghị sau hội nghị này, Sở Tài chính tiếp tục tổng hợp và tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo kịp thời”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.
Về Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đề nghị giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp và chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo kiêm kê; xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành, phân công rõ trách nhiệm.
“Các sở chuyên ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản công chuyên ngành đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu do Sở Tài chính chủ trì, để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản công tập trung của thành phố Hà Nội”, đồng chí Hà Minh Hải giao nhiệm vụ.
Lam Giang
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ha-noi-thu-hoi-56-dia-diem-nha-dat-su-dung-khong-dung-muc-dich-683571.html