Hà Nội trong trái tim người đi xa và cảm nghĩ của bạn bè Campuchia

Hà Nội trong trái tim người đi xa và cảm nghĩ của bạn bè Campuchia
6 giờ trướcBài gốc
Vẻ đẹp của Hồ Gươm trong đêm Giao thừa.
Sau những ngày mưa, Thủ đô Phnom Penh của nước bạn Campuchia sáng bừng trong ánh nắng vàng của mùa thu. Trên con phố nhỏ nhiều phượng và bằng lăng, giữa những biển hiệu quảng cáo bằng chữ Khmer, Anh, Trung Quốc, có một nhà hàng mang tên HA NOI CORNER (Góc Hà Nội).
Tiếp xúc với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Trần Thị Thanh Nhung, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chủ của nhà hàng cho biết, xa quê hương đã hơn 10 năm, nỗi nhớ khắc khoải thôi thúc chị mở cơ sở chuyên bán những món ăn của Hà Nội cùng những sản phẩm như đậu phụ, ô mai sấu, mận cơm chua ngọt và mơ dẻo Chùa Hương.
Nhà hàng chuyên ẩm thực Hà Nội mang đến những hương vị hấp dẫn mới mẻ, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động bản xứ. (Trong ảnh: Chị Trần Thị Thanh Nhung, chủ nhà hàng HA NOI CORNER.
“Một phần để hình ảnh Hà Nội luôn hiện hữu trong lòng, một phần để cho những người Việt sinh sống tại Campuchia hay những người khách nước ngoài, khi nhớ về Hà Nội có thể ghé qua đây. Dù chỉ là một góc nhỏ thôi, nhưng tôi hy vọng mang lại những ký ức về Hà Nội cho người Việt tại Campuchia nói chung và người Hà Nội đang sinh sống và làm việc xa nhà nói riêng”, chị Nhung chia sẻ.
Tranh thủ về thăm gia đình mỗi năm đôi lần, chị Nhung cho biết, bản thân luôn ngỡ ngàng với diện mạo mới khang trang và hiện đại của Thủ đô. Thậm chí, nếu muốn đi tham quan những con phố từng trải nghiệm thì có khi không thể tự đi được nữa mà phải thuê xe.
“Cơ sở hạ tầng thì quá là phát triển. Còn về con người, tôi cứ nghĩ bây giờ do cuộc sống hiện đại rồi nên con người có thể không còn thân thiện như ngày xưa, nhưng không phải như vậy. Có một lần về thăm Hà Nội, tôi không thể nào nhớ được đường đi, nhưng khi hỏi một anh công an thì anh đã chỉ cho tôi cách đi tường tận, thậm chí còn gọi giúp xe chở tôi đến đúng địa điểm đó”.
Người phụ nữ tuổi ngoài 40 cho biết, đời sống của người dân Hà Nội giờ đã được nâng lên rất nhiều so với trước. Nhiều gia đình vẫn giữ được nếp sống văn hóa cũng như sự hiền hòa, kín đáo của người Hà Nội xưa. Đặc biệt, người già được chăm sóc đầy đủ và trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn.
Cùng với cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia, những ngày qua, chị Nhung đã tích cực quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra ở quê nhà, đặc biệt là ở các tỉnh vùng núi phía bắc. Theo chị, người Hà Nội và nhân dân cả nước nói chung luôn đoàn kết, thể hiện tinh thần tự lực tự cường trong mọi thời điểm khó khăn.
Với bà con người gốc Việt Nam ở Campuchia, hai tiếng “Hà Nội” vừa thiêng liêng vừa là niềm tự hào, là động lực để cộng đồng vượt qua khó khăn, phấn đấu lao động, học tập, vươn lên trong cuộc sống, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa hai đất nước láng giềng.
Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia Sim Chy cho biết, đại diện bà con về thăm Thủ đô nhiều lần, ông rất vui mừng khi thấy Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, nhà cao tầng và nhiều công trình to đẹp.
Thăm Hoàng thành Thăng Long và phố cổ, ông thấy rất nhiều khách du lịch quốc tế với đủ sắc tộc say sưa ngắm nhìn di tích cổ xưa, thả mình trong không gian của vùng đất nghìn năm văn hiến. Điều đó cho thấy, bề dày văn hóa, lịch sử cũng như nét thanh lịch của người Hà Nội có sức thu hút mạnh mẽ và Thủ đô nước Việt Nam thực sự đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
“Mỗi lần về Thủ đô dự hội nghị, tôi thấy các cấp lãnh đạo đều rất quan tâm dến đời sống đang còn nhiều khó khăn của bà con bên này. Đó là một niềm động viên, khích lệ cho cộng đồng. Tôi xin thay mặt bà con gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước, đặc biệt nhân dân Thủ đô Hà Nội đã luôn quan tâm và giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Campuchia để bà con ổn định cuộc sống”, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam xúc động chia sẻ.
Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia Sim Chy.
Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, vừa qua, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, bà con người gốc Việt Nam trên khắp 25 tỉnh và thành phố của Campuchia đã khẩn trương quyên góp được số tiền tương đương hàng trăm triệu đồng, gửi về giúp đỡ đồng bào các địa phương trong nước chịu nhiều mất mát về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Không chỉ đối với người Việt Nam và bà con kiều bào, nhiều người nước ngoài từng có những năm tháng sinh sống và học tập tại Hà Nội cũng lưu giữ những kỷ niệm đẹp và bày tỏ vui mừng trước sự vươn mình mạnh mẽ của mảnh đất ”rồng bay lên”.
Sang nhận giải thưởng cho tác phẩm "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài-Nhịp cầu hữu nghị", diễn ra tại Nhà hát Lớn vào tháng 10 năm ngoái, học giả Uch Leang, cán bộ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn lao của thành phố, nơi anh học từ năm 1995 đến 2001.
“Tôi không thể tin nổi, đất nước Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội có sự phát triển nhanh chóng đến như vậy. Ngay từ lúc xuống sân bay rồi vào thành phố, tôi thấy đường sá rộng dài, nhiều xe ô tô, nhiều cầu vượt và đường cao tốc từ Thủ đô tỏa đi các tỉnh, mang lại sự thuận tiện rất nhiều cho người dân”.
Trở lại thăm Trường đại học Bách khoa Hà Nội sau hơn 20 năm xa cách, cựu sinh viên Campuchia thấy có nhiều thay đổi về cơ sở vật chất cũng như chương trình học. Theo ông, các bạn sinh viên Hà Nội ngày nay tiến bộ hơn rất nhiều về kiến thức khoa học cũng như trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh.
Trong không khí kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), học giả Viện Hàn lâm Hoàng gia, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Campuchia học tại Việt Nam Uch Leang bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ hai nước nỗ lực học tập, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ và bổ sung cho nhau để cùng phát triển, xây dựng Phnom Penh và Hà Nội ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là trái tim của đất nước và là những điểm đến được bạn bè quốc tế yêu thích.
Theo Nhandan.vn
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202410/ha-noi-trong-trai-tim-nguoi-di-xa-va-cam-nghi-cua-ban-be-campuchia-8d21db9/