Hà Nội đang dần hiện thực hóa kế hoạch phát triển giao thông xanh, trong đó lộ trình cấm xe máy và phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch được xem là bước ngoặt nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm ùn tắc giao thông nội đô.
Tuy nhiên, trong khi thành phố đang từng bước thúc đẩy người dân chuyển sang phương tiện thân thiện với môi trường thì thực tế cho thấy những phương tiện được coi là “xanh”, điển hình là xe đạp điện, lại đang bị "xa lánh” ngay tại những nơi ở phổ biến nhất– các khu trọ dân sinh.
Muốn “xanh” cũng không dễ
Theo Chỉ thị số 20 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành, từ ngày 1-7-2026, Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn hoạt động của xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1.
Từ 1-1-2028, việc hạn chế sẽ mở rộng với ô tô xăng, dầu ở Vành đai 2 và đến năm 2030, toàn bộ phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch sẽ bị hạn chế trong phạm vi Vành đai 3.
Theo lộ trình, Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn hoạt động của xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1-7-2026. Ảnh PHI HÙNG
Trên lý thuyết, lộ trình này sẽ khuyến khích người dân chuyển sang các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp điện, xe máy điện, xe buýt điện… Tuy nhiên, đối với phần lớn người lao động tự do và sinh viên đang thuê trọ ở Hà Nội (nhóm vốn có thu nhập thấp) thì việc sử dụng xe đạp điện không hề dễ dàng.
Chị Nguyễn Linh Chi (quê ở Phú Thọ, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) cho biết chỉ vì sở hữu một chiếc xe đạp điện mà cô phải chuyển nhà trọ tới ba lần trong một năm qua.
“Tôi dùng xe đạp điện để đi học cho tiết kiệm và bảo vệ môi trường nhưng tìm được chỗ trọ vừa túi tiền lại cho phép sạc xe là điều cực kỳ khó. Có nơi chủ trọ từ chối ngay khi biết tôi có xe điện, có nơi cho để xe nhưng không cho sạc” - chị Chi chia sẻ.
Nhiều người thuê trọ lo lắng khi chủ trọ "cấm cửa" xe điện. Ảnh: PHI HÙNG
Không riêng chị Chi, nhiều người thuê trọ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Hoàng Sơn (20 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ trước đây anh từng mua xe đạp điện để đi học và đi làm.
Thế nhưng sau nhiều lần bị chủ trọ từ chối cho sạc vì sợ cháy nổ, anh buộc phải đổi sang xe máy xăng. Giờ nghe tin Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy trong khu vực nội đô, anh lại bối rối không biết nên di chuyển sang phương tiện gì.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bảo vệ môi trường nhưng nếu cấm xe máy chạy xăng trong khi không có giải pháp sạc an toàn cho xe điện thì người như tôi chỉ biết đứng nhìn” - anh Sơn nói.
Cần xây dựng hạ tầng sạc xe an toàn
Nguyên nhân chủ yếu khiến chủ nhà trọ e ngại xe điện đến từ nỗi lo cháy nổ trong quá trình sạc. Hầu hết các khu nhà trọ dân sinh tại Hà Nội hiện nay đều không được thiết kế để sạc xe điện. Hệ thống điện đã cũ, không có cầu dao chống cháy, không gian chật hẹp và thiếu nơi sạc tập trung… tất cả tạo nên nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn.
Anh Khổng Văn Hoàng, chủ một chuỗi phòng trọ ở khu vực Cầu Giấy và Hoàng Mai, chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến vụ cháy mà nguyên nhân do sạc xe đạp điện ban đêm trong phòng trọ. Từ đó tôi cạch luôn. Dù có mất khách, tôi vẫn kiên quyết không cho thuê nếu người đó dùng xe điện”.
Không ít chủ trọ khác còn thẳng thắn hơn khi dán biển: “Không nhận người thuê có xe điện” hay đưa hẳn điều khoản “cấm sạc xe điện” vào hợp đồng thuê nhà. Lý do chung là họ không có khả năng nâng cấp hệ thống điện để bảo đảm an toàn trong khi thiệt hại từ một vụ cháy nếu xảy ra là quá lớn.
Công an không yêu cầu chủ trọ cấm xe điện đối với người thuê. Ảnh PHI HÙNG
Chia sẻ với PLO, một cán bộ Công an phường Đống Đa cho biết trong những năm gần đây, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã tuyên truyền rất nhiều về việc sử dụng thiết bị điện an toàn, bao gồm cả sạc xe điện.
Cán bộ này khẳng định rằng công an không yêu cầu chủ trọ cấm người thuê nhà sử dụng xe điện, mà chỉ khuyến cáo người dân không nên sạc xe qua đêm, không sạc ở nơi chật kín và cần có người giám sát khi sạc.
Thực tế này cho thấy có một khoảng trống đáng lo ngại trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh ở đô thị. Chính sách đang đi đúng hướng nhưng nếu người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, chưa thể kịp thời tiếp cận phương tiện thay thế trong một sớm, một chiều thì mục tiêu đề ra sẽ gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc của chính quyền trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các khu trọ lắp đặt khu vực sạc an toàn. Đồng thời, ban hành quy chuẩn cụ thể về an toàn sạc điện tại khu dân cư và xây dựng hệ thống điểm sạc công cộng gần các khu đông dân, trường học và khu công nghiệp. Ngoài ra, nên khuyến khích các mô hình nhà trọ thân thiện với phương tiện xanh, có hạ tầng sạc đảm bảo.
Không thể phủ nhận chủ trương hạn chế, tiến tới cấm phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch như xăng, dầu là bước đi cần thiết của Hà Nội để hướng tới phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, để hành trình xanh hóa thật sự đi vào cuộc sống, thì việc giải những bài toán như chỗ sạc xe cho người thuê trọ cũng rất cần được coi trọng.
PHI HÙNG