Không chỉ là nỗi bất bình của người dân mà trong công tác quản lý nhà nước của các ngành và địa phương cũng nảy sinh nhiều bất cập.
Dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (quận Hà Đông) sau nhiều năm thi công vẫn dở dang.
Những khu đô thị... thiếu nhiều thứ
Dù khá nhiều chung cư đã lấp đầy cư dân đến ở, nhưng Khu đô thị mới Nam An Khánh (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) vẫn khá lộn xộn bởi chỗ nào cũng có thể thành nơi đỗ xe, chợ cóc... Thực trạng này bắt nguồn từ việc chủ đầu tư chưa xây dựng một số hạng mục như trong quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Đăng Lợi cho biết: “Khu đô thị Nam An Khánh có đến 15 nhà đầu tư thứ cấp và tiến độ triển khai dự án tiến độ rất chậm. Bất cập nhất là dù dự án đã triển khai nhiều năm, nhưng trường học, bãi đỗ xe vẫn chưa được xây dựng, khiến các trường học công lập trên địa bàn luôn trong tình trạng quá tải và đô thị lộn xộn do không có bãi để xe”.
Tại Khu đô thị mới Phú Lương (quận Hà Đông), bên cạnh một số tuyến đường chưa triển khai ảnh hưởng đến việc đi lại của cư dân thì một số ô quy hoạch xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm thương mại đến nay vẫn để đất trống…
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt Cù Ngọc Ổn - chủ đầu tư dự án cho biết: “Với 2 ô đất trường học và 1 ô đất trạm y tế, chúng tôi đề xuất được xây dựng theo hình thức xã hội hóa nhưng chưa được chấp thuận. Ô đất nhà văn hóa đang chờ bàn giao cho chính quyền địa phương. Riêng ô đất xây dựng trung tâm thương mại, chủ đầu tư đang chờ thành phố phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn thời gian thi công…”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, cư dân Khu đô thị mới Phú Lương chia sẻ: “Gia đình tôi về khu đô thị này ở 4 năm nay nhưng chủ đầu tư mới hoàn thiện một số khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao, các hạng mục hạ tầng xã hội còn lại như trung tâm thương mại, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế chưa thấy triển khai. Trung tâm thương mại chưa xây dựng nên người dân phải đến các chợ ở địa bàn lân cận để mua, rất bất tiện…”.
Hay tại 2 dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Usilk City) và Khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông), với mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở toàn khu và phát triển các loại hình nhà ở chung cư cao cấp có thiết kế quy mô kiến trúc đa dạng..., song sau gần 20 năm kể từ ngày khởi công, đến nay việc hoàn thiện hạ tầng vẫn dang dở. Vì lý do này nên chủ đầu tư chưa thể bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý, dẫn đến hầu hết các tuyến đường trong khu bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe máy, chợ “cóc” mọc lên khắp nơi, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị Hà Đông Mai Đắc Phúc cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư hai dự án trên là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long vẫn chưa xây dựng, hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: Điện, đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước… theo quy hoạch. Trước thực trạng trên, UBND quận Hà Đông đã nhiều lần có văn bản đôn đốc chủ đầu tư rà soát, báo cáo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng tại dự án, nhưng chủ đầu tư chưa nghiêm túc chấp hành”.
Cả người dân và chính quyền đều... khổ
Theo Sở Tài chính Hà Nội, đến cuối năm 2024, Hà Nội vẫn còn 158/266 dự án khu đô thị, nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và đã được giao đất nhưng chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng, kết nối hạ tầng theo quy hoạch được duyệt. Việc chậm trễ này khiến cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều khổ.
Đơn cử như Dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng trường mầm non, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp theo quy hoạch. Theo đại diện chủ đầu tư, đối với ô đất quy hoạch trường mầm non, chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục bàn giao cho địa phương quản lý, xây dựng; còn khu đất xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp cũng đang chưa chờ hướng dẫn về việc thay đổi quy hoạch. Về Dự án khu nhà ở Trung Văn do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 - VINACONEX làm chủ đầu tư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm hiện cũng chưa xây dựng trường mầm non theo quy hoạch...
Anh Bạch Văn Chiến (cư dân Dự án khu nhà ở Trung Văn) bức xúc: “Không có trường mầm non, chúng tôi phải đưa con sang phường Mễ Trì, cùng quận Nam Từ Liêm) để học. Không những đi học xa, việc xin học trái tuyến khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”.
Tại quận Cầu Giấy, Dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng tuy hoàn thành từ 14 năm trước, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hạ tầng nên địa phương không có căn cứ để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Đặc biệt, phố Nguyễn Xuân Linh hiện đang là điểm nóng vì hệ thống thoát nước xuống cấp, toàn bộ mặt đường biến dạng gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.
Theo Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên, hầu hết các khu đô thị mới đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành hoặc bàn giao cho địa phương không đồng bộ. Trong đó, một số chủ đầu tư đã giải thể hoặc sáp nhập với đơn vị khác, hồ sơ quản lý thất lạc, không đầy đủ nên việc bàn giao gặp nhiều khó khăn, những sự cố về đường sá, hệ thống chiếu sáng, trường học, cây xanh… vì thế không thể khắc phục kịp thời.
Tại huyện Hoài Đức, vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị mới Vân Canh cũng đã từng trở thành “điểm nóng” và phá vỡ kết cấu chung khu vực, ảnh hưởng đến công tác quản lý của chính quyền sở tại. Theo quy hoạch, các căn hộ chỉ được xây 3 tầng và 1 tầng áp mái, nhưng nhiều hộ đã tự sửa chữa theo hướng tăng 100% mật độ xây dựng và xây thêm 2-3 tầng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện UBND xã Vân Canh cho biết, do dự án phê duyệt từ năm 2008 nên đến nay không còn phù hợp bởi số tầng quá thấp, trong khi nhu cầu sử dụng nhà, đất của người dân tăng cao. Đáng nói, dự án chưa bàn giao cho địa phương, Ban Quản lý dự án dù có văn phòng tại khu đô thị, nhưng gần như không hoạt động. Vì thế, mọi vi phạm về trật tự xây dựng tại đây bị chủ đầu tư dồn hết cho chính quyền địa phương. Đây là bất cập rất lớn, vừa gây khổ cho người dân, vừa gây khó cho địa phương trong công tác quản lý.
Trước những thực tại nêu trên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng cho biết, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không được đầu tư đồng bộ, một số tuyến đường kết nối khu đô thị mới với khu vực xung quanh chưa được thi công nên chưa thể khớp nối với hệ thống đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Việc này đã và đang khiến người dân trong khu đô thị không được thụ hưởng quyền lợi thiết yếu như công trình công cộng, trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... Hệ lụy lớn hơn là sự quá tải về hạ tầng xã hội tại khu vực lân cận, gây bức xúc cho người dân, kéo theo tình trạng đơn thư kéo dài, mất an ninh trật tự, an sinh xã hội không bảo đảm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sáng, sau khi đưa vào sử dụng, nhiều chủ đầu tư đã đề nghị tạm bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý nhưng chính quyền chưa có cơ sở để tiếp nhận vì dự án chưa hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên