Hạ triển vọng cổ phiếu thủy sản

Hạ triển vọng cổ phiếu thủy sản
13 giờ trướcBài gốc
Việt Nam vẫn đang có lợi thế cạnh tranh về thủy sản, với sản phẩm chủ lực là cá da trơn và tôm
Nhu cầu có thể tăng trong thời gian tạm hoãn áp thuế
Năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 1,8 tỷ USD, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) đạt 1,9 tỷ USD, Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, EU đạt 1 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 806 triệu USD.
Ba tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận phục hồi, với kim ngạch đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ vẫn là các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lần lượt 21,7%, 15,6% và 15,1%.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra gần đây. Đối với ngành thủy sản Việt Nam, nếu như đầu năm 2025 có những dự báo khả quan về hoạt động xuất khẩu và thực tế quý I đã cho thấy điều đó, nhưng thời gian tới có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, ngành thủy sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở lợi thế cạnh tranh và chính sách thuế quan mới của Mỹ. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, việc Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam trong 90 ngày (kể từ 9/4/2025) có thể tạo ra cơ hội cho một số ngành xuất khẩu, trong đó có thủy sản. Dự báo, các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ tranh thủ 3 tháng đó để đẩy mạnh tích trữ hàng hóa. Yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có bức tranh kinh doanh cải thiện trong quý II/2025, khi các nhà nhập khẩu mua hàng “bù trừ”, dẫn tới sản lượng và doanh thu tăng đột biến.
Theo ông Minh, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thủy sản, với sản phẩm chủ lực là cá da trơn, thành phẩm cá da trơn và tôm. Việt Nam vẫn là nguồn cung ứng chính cho thị trường Mỹ, nếu bị áp thuế cao sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng Mỹ, nên nhiều khả năng Việt Nam đạt được thỏa thuận với phía Mỹ về việc giảm mức thuế chính thức xuống.
Hiện tại, các doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tập trung tìm kiếm khách hàng mới tại ASEAN, Trung Đông… Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết/tham gia để mở rộng khách hàng.
Với thị trường châu Âu, mới đây, EU bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện. EU sẽ sớm gỡ “thẻ vàng”, qua đó mở ra cơ hội cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Việt Nam cũng có cơ hội ở thị trường Trung Quốc - đất nước tỷ dân, nhu cầu tiêu thụ rất lớn.
Ông Nguyễn Thế Minh cho hay, 3 năm trước, Trung Quốc đã thử nghiệm nuôi trồng cá tra, tôm để cung cấp quanh năm cho thị trường nội địa, nhưng yếu tố thời tiết không phù hợp. Thị trường này vẫn cần nguồn cung lớn đến từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bù đắp phần suy giảm từ thị trường Mỹ khi nhu cầu suy yếu do thuế quan.
“Khi Mỹ không còn là thị trường trụ cột, doanh nghiệp sẽ có động lực để thay đổi, dịch chuyển sang thị trường khác, đỡ áp lực về thuế hơn”, ông Minh nhận định.
“Lưu ý, rủi ro vẫn hiện hữu và bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, nhà đầu tư nên hạ triển vọng với cổ phiếu thủy sản, vì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của ngành này sẽ gặp khó khăn trong năm 2025”, ông Minh nhấn mạnh.
Kỳ vọng duy trì lợi thế
Dự báo, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ thời gian tạm hoãn áp thuế đối ứng để đẩy mạnh mua hàng từ Việt Nam, trong đó có thủy sản.
Thông tin từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho thấy, Mỹ là thị trường lớn thứ hai của hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm và cá tra, chiếm lần lượt 18% và 17% giá trị xuất khẩu 2 mặt hàng này. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đầu ngành là Vĩnh Hoàn (mã VHC), Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), Thủy sản Minh Phú (mã MPC), có lần lượt 30%, 20%, 16% doanh thu đến từ thị trường Mỹ trong năm 2024.
Năm 2025, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 13.800 tỷ đồng, tăng 10,3% và lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, tăng 22,3% so với mức thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp lên kế hoạch này trước khi có thông tin về chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Bà Ngô Vi Lê Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn chia sẻ: “Dựa trên đánh giá sơ bộ, chúng tôi ước tính, mức thuế quan mà Mỹ dự kiến áp dụng với Việt Nam có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế năm 2025 từ 15 - 30%. Tình hình vẫn còn biến động và tác động thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào cách thức triển khai thuế và các yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Thời gian tới, Vĩnh Hoàn sẽ làm việc chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng địa phương, yếu tố từng giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức trong những năm qua đối với sản phẩm cá tra tại thị trường Mỹ, bao gồm các quy định về dán nhãn, thuế chống bán phá giá…
Theo Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, cá tra nằm trong Top 5 loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng lành mạnh và ngon miệng cho hàng triệu gia đình. Điều đó có nghĩa, thị trường Mỹ vẫn cần nguồn cung các loại thủy sản và Việt Nam là một trong những nhà cung ứng chính.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhìn nhận, ở góc độ lạc quan, cá tra Việt Nam vẫn có lợi thế ở Mỹ, người tiêu dùng nước này đã quen với loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc có nguồn cung cá rô phi (một loài cá có nhiều điểm tương đồng với cá tra Việt Nam) lớn nhất thế giới và lớn nhất tại Mỹ, nhưng đang phải chịu mức thuế cao kỷ lục.
Thực phẩm Sao Ta vừa công bố tóm tắt chiến lược hoạt động giai đoạn 2025 - 2030, trong đó nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ luôn linh hoạt trong sách lược kinh doanh (thị trường, khách hàng, sản phẩm), từng bước nâng cao tỷ lệ tự chủ nguyên liệu sạch, quan tâm ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chú trọng tăng khả năng chống chịu rủi ro. Tầm nhìn của Công ty là vươn tầm thế giới, thâm nhập mọi hệ thống phân phối cao nhất, với sự phong phú về sản phẩm, uy tín về chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh xu thế thế giới đầy thách thức từ chủ quan đến khách quan và các thách thức này diễn biến đan xen, cộng hưởng khó dự đoán chính xác, Thực phẩm Sao Ta sẽ tập trung vào việc phát triển ổn định, bền vững, phát triển theo chiều sâu, phấn đấu kết quả kinh doanh tăng trưởng trung bình 10%/năm.
Hải Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/ha-trien-vong-co-phieu-thuy-san-post367814.html