Sở Công Thương tỉnh Hải Dương vừa kết nối, đưa đại diện Công ty TNHH Menas (thành phố Hồ Chí Minh) đến trực tiếp khảo sát vùng trồng vải và ký hợp đồng nguyên tắc với Tổ sản xuất số 10 ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, chiều 5/4.
Sau khi khảo sát thực tế tại vùng sản xuất vải thiều tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Công ty TNHH Menas đã ký kết hợp đồng nguyên tắc trực tiếp với Tổ sản xuất số 10 ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn để tiêu thụ sản phẩm vải quả ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Đại diện Công ty TNHH Menas ký kết hợp tác với Tổ sản xuất số 10 ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Menas cho biết, thông qua chương trình kết nối, công ty trực tiếp đến huyện Thanh Hà để tìm hiểu cơ hội xúc tiến cũng như tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân. Qua chương trình này, Menas mong muốn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm vải thiều Thanh Hà, một trong những nông sản rất có giá trị, được bạn bè quốc tế tin dùng.
“Chúng tôi sẽ làm việc với Sở Công Thương tỉnh Hải Dương về một số cách để có thể nâng cao giá trị cũng như thời gian tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà, không những ở thị trường trong nước mà còn tiêu thụ ở thị trường các nước trên thế giới. Chúng tôi mong muốn sẽ có những hợp tác sâu hơn và bền vững với bà con nông dân sản xuất vải thiều nơi đây”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Menas cho biết thêm.
Theo cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây vải ra hoa, đậu quả như hiện nay, dự báo sản lượng vải thiều năm nay của tỉnh sẽ tăng so với vụ vải năm trước.
Để đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước có hệ thống phân phối lớn đến khảo sát và xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải ngay từ đầu mùa vụ.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, cùng với việc kết nối doanh nghiệp, Sở đang và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ nông dân đưa nông sản, sản phẩm vải thiều lên các sàn giao dịch trực tuyến như Shopee, Lazada, Postmart…
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương giới thiệu vải thiều Thanh Hà tại buổi khảo sát, kết nối.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương còn phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu vải thiều sang thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… khi quả vải thiều cho thu hoạch.
Toàn huyện Thanh Hà hiện có gần 3.300 ha vải thiều, sản lượng vải thiều vụ mùa năm 2025 dự kiến đạt 38.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với năm ngoái. Các trà vải ở Thanh Hà đang trong quá trình đậu quả, bà con nông dân trong huyện đang tích cực chăm sóc, tưới dưỡng...
Đến nay, trên địa bàn huyện duy trì 167 mã số vùng vải đủ điều kiện xuất khẩu, 7 cơ sở đóng gói với 20 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép. Hiện có hơn 200ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Thanh Hà được tỉnh Hải Dương hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận, hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học.
Ông Tăng Bá Bay, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, trong mùa vụ vải thiều năm nay huyện sẽ bố trí các địa điểm thu mua và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân có cam kết bao tiêu sản phẩm vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu tại các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời đảm bảo công tác an ninh trật tự và lưu thông tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Hà đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện; giám sát, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Thanh Lâm