Năm nay toàn tỉnh sẽ trồng hơn 255 ha rừng thay thế
Nét mới năm nay là Hải Dương không chỉ trồng cây phân tán như năm trước mà đẩy mạnh việc trồng rừng nhằm phục hồi các diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) xảy ra hồi tháng 9/2024.
Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu trồng 290.000 cây phân tán, 163,4 ha rừng sau khai thác (260.000 cây) và hơn 255 ha rừng thay thế (148.000 cây)
Theo chỉ tiêu phân bổ, TP Chí Linh được giao trồng nhiều nhất với 270.000 cây, tiếp đến là Ban Quản lý rừng tỉnh 148.000 cây, thị xã Kinh Môn 42.000 cây, các huyện, thành phố còn lại mỗi nơi từ 15.000 – 35.000 cây.
Đối với cây phân tán, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị xác định cây trồng phù hợp theo Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương ban hành danh mục loài cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh, sinh trưởng chậm, cây mục đích, cây phi mục đích đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất; cây trồng phân tán trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Đối với cây giống trồng rừng sau khai thác, căn cứ vào điều kiện đất đai, tập quán của từng vùng và nhu cầu của thị trường, UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện hướng dẫn người dân lựa chọn cây lâm nghiệp trong danh mục trên, ưu tiên trồng cây gỗ lớn để bảo vệ đất và nâng cao giá trị sản xuất.
Đối với cây trồng rừng thay thế, thực hiện theo hồ sơ thuyết minh và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 13/2 (tức 16 tháng giêng năm Ất Tỵ), các địa phương trong toàn tỉnh đồng loạt tổ chức ra quân trồng cây phân tán. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp, tránh phô trương, hình thức.
Thời gian trồng rừng thay thế theo hồ sơ thuyết minh và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian trồng cây phân tán, trồng rừng sau khai thác theo các tháng trong năm, tùy thuộc vào địa điểm trồng, loài cây trồng, tuổi cây giống và điều kiện chăm sóc của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân.
UBND các cấp, cơ quan, đơn vị tự chủ nguồn kinh phí trồng 290.000 cây phân tán. Khuyến khích huy động kinh phí ủng hộ từ các doanh nghiệp, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Đối với 163,14 ha rừng sau khai thác, nguồn kinh phí do các hộ dân nhận khoán rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên địa bàn TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn.
Đối với hơn 255 ha rừng thay thế, nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Hải Dương.
Những ngày qua, một số địa phương, đơn vị đã triển khai trồng cây năm 2025.
Xem danh mục các loài cây trồng phù hợp theo quyết định của UBND tỉnh tại đây:
1. Danh mục loài cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh, sinh trưởng chậm, cây mục đích, cây phi mục đích
2. Danh mục loài cây lâm nghiệp ưu tiên trồng rừng
3. Danh mục loài cây trồng phân tán
PV