Đánh thức tiềm năng du lịch đường thủy Hải Phòng
Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất Miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng. Bởi vậy Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu.
Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trên thành phố có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng nhất là: sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình.
Cầu Hoàng Văn Thụ kết nội trung tâm thành phố Hải Phòng với Khu đô thị Bắc sông Cấm.
Những dòng sông ở Hải Phòng từ lâu trở thành những chứng nhân của lịch sử. Từ ngàn xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông Cấm để khai hoang lập trang An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.
Bạch Đằng Giang là dòng sông huyền thoại, linh thiêng và hào hùng vào bậc nhất Việt Nam, nơi gắn liền với 3 trận đại chiến lừng lẫy. “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng).
Đền thờ Đức vương Ngô Quyền trong quần thể Di tích lịch sử đặc biệt Bạch Đằng Giang bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, với 3 lần đại phá quân xâm lược Nguyên Mông.
Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai xán lạn của thành phố. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp”, bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, chia sẻ: Hiện nay Hải Phòng chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát.
Bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng.
Bà Mai cũng đề cập đến một số nguyên nhân cản trở sự phát triển du lịch đường sông Hải Phòng như: Hạ tầng giao thông đường thủy còn kém - rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông. Các cảng, các bến tàu của Hải Phòng là cảng tổng hợp và hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch, tại nhiều điểm đến không có bến tàu.
Hiện nay, Vingroup đã đầu tư bến du thuyền Vũ Yên song quy mô còn nhỏ và chủ yếu phục vụ cho cư dân Vinhome. Một số luồng tuyến chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch.
Hình ảnh hai bên bờ sông Cấm, một bên là các cảng biển Hải Phòng, một bên là đảo Hoàng Gia Vũ Yên.
Các tour du lịch đường thủy tại Hải Phòng chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông. Du lịch sông không chỉ diễn ra trên sông mà còn diễn ra ven sông, việc quy hoạch, phát triển các điểm khám phá, trải nghiệm sẽ tạo sức hút với du khách.
“Không thể phát triển du lịch đường sông với hiện trạng hạ tầng giao thông thủy như thế này. Phát triển du lịch đường sông ở Hải Phòng chưa được coi trọng, chưa có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch đồng bộ. Các hoạt động du lịch đường sông hiện nay rất nhỏ, lẻ, mang tính tự phát, manh mún, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, dịch vụ nghèo nàn, không tạo sức hút đối với du khách.
Cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ven sông, còn nhiều rác, bèo trên sông, cảnh quan ven sông đôi chỗ còn nhếch nhác, bụi bẩn” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng nhìn nhận thực tế.
Khu đô thị Vinhome Marina bên dòng sông Cấm.
Đưa du lịch đường thủy phát triển tầm đẳng cấp quốc tế
Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, sinh thái sẽ là hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030.
Để du lịch đường sông trở thành sản phẩm chủ lực, đẳng cấp quốc tế, theo ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng: Trước hết cần xây dựng 3 bến tàu hiện đại, tiện nghi, thuận lợi, tiêu chuẩn quốc tế ở khu vực Cảng Hoàng Diệu, Bến Gót (Đồng Bài), Vịnh Cát Bà và một số bến thủy nội địa tiêu chuẩn quốc gia tại các điểm đến ven sông, ưu tiên xây dựng bến tàu trên sông Thải bên khu di tích Bạch Đằng Giang.
Du khách ngồi trên tàu du lịch ngắm nhìn bên dòng sông Cấm, ngoài các tàu chuyên chở hàng hóa còn được chiêm ngưỡng các tàu thuyền của các lực lượng thực thi pháp luật, cứu hộ, cứu nạn trên sông, trên biển.
Hệ thống luồng tuyến cần được khơi thông, đầy đủ biển báo, cọc tiêu, đảm bảo an toàn. Trước mắt xây dựng 2 luồng tuyến trọng điểm, đẳng cấp quốc tế gồm: Tuyến du lịch sông - biển: Cảng Hoàng Diệu - Bến Gót (Đồng Bài) - Vịnh Lan Hạ; Tuyến du lịch sông: Cảng Hoàng Diệu - Bến Du thuyền Vũ Yên - sông Bạch Đằng - Khu di tích Bạch Đằng Giang - sông Ruột Lợn và về Cảng Hoàng Diệu.
Xây dựng 2 tuyến chất lượng cao: Tuyến du lịch đường sông nội đô: Mom Thủy Đội - sông Tam Bạc (đề xuất cắt nhịp giữa của cầu Tam Bạc, đóng mở được để tạo khoảng thông thuyền); Tuyến du ngoạn ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực trên sông: Cảng Hoàng Diệu - cầu Bạch Đằng và quay về cảng Hoàng Diệu. Trong tương lai sẽ mở rộng các tuyến lên bến Vạn Kiếp, Côn Sơn, Kiếp Bạc hoặc tuyến dài ngày đi Hà Nội và đến các miền di sản đồng bằng sông Hồng.
Bến du thuyền đẳng cấp quốc tế trên đảo Hoàng Gia.
Ngoài ra, Hải Phòng cần xây dựng một show diễn thực cảnh truyền tải những nét văn hóa tinh túy của Hải Phòng và miền duyên hải bằng ngôn ngữ nghệ thuật trên sân khấu cạn hoặc sân khấu nước. Sân khấu cạn có thể sử dụng Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố. Sân khấu nước có thể chọn sông Cấm hoặc hồ An Biên.
“Song song với việc xây dựng đề án là xây dựng 5 dự án phát triển du lịch đường sông Hải Phòng: Dự án hạ tầng du lịch đường sông, trọng tâm là xây dựng các bến tàu khách; Dự án phương tiện du lịch đường sông, xác định rõ chủng loại, số lượng, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của các loại tàu, thuyền du lịch đường sông; Dự án các chương trình nghệ thuật, giải trí trên sông; Dự án chiếu sáng nghệ thuật ven sông và trên cầu; Dự án chỉnh trang cảnh quan và xây dựng điểm đến ven sông. Với mục tiêu chậm nhất phê duyệt trong quý 1 năm 2026”, ông Dương Đức Hùng cho biết thêm.
Chiều 22/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp đầu tư trên cả nước.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, diễn giả đã bàn thảo, góp ý về những tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy, những “nút thắt” hạn chế quá trình phát triển và giải pháp tháo gỡ, nhằm đưa du lịch đường thủy Hải Phòng trở thành sản phẩm đẳng cấp quốc tế.
Sáng cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức khảo sát tuyến du lịch cảnh quan dọc sông Cấm - sông Đá Bạc (Bạch Đằng Giang) - sông Ruột Lợn và các bến: Cảng Hồng Bàng - Cảng Hoàng Diệu - Bến du thuyền Vũ Yên - Bến Bạch Đằng Giang - Cảng Cá Mắt Rồng - Cảng Hồng Bàng.
Minh Khang - Minh Hương