Hàn Quốc kỳ vọng chuyển mình với nền kinh tế bạc

Hàn Quốc kỳ vọng chuyển mình với nền kinh tế bạc
17 giờ trướcBài gốc
Bà Choi Soon-hwa, một người mẫu ngoài 70, hy vọng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho những người cao tuổi khác tiếp tục theo đuổi đam mê
Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2024, số người từ 65 tuổi trở lên đạt gần 10 triệu người, tương đương 20% trên tổng dân số khoảng 52 triệu người.
Và với làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ cả khu vực công lẫn tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của nhóm dân số cao tuổi, Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc dự báo thị trường chăm sóc sức khỏe cho người cao niên sẽ tăng trưởng từ 55 tỷ USD năm 2020 lên 128 tỷ USD vào năm 2030.
TIỀM NĂNG KINH TẾ BẠC
Một minh chứng sống động cho làn sóng “kinh tế bạc” mới là bà Choi Soon-hwa, một người mẫu vừa bước sang tuổi 82. Bà sinh năm 1943 tại một thành phố công nghiệp ở miền Nam Hàn Quốc. Việc học của bà bị gián đoạn vì chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, bà đi làm sớm để phụ giúp gia đình và có cuộc sống vất vả như bao phụ nữ cùng thời.
Trước khi bước chân vào ngành thời trang, bà Choi từng làm việc tại nhà máy, chăm sóc con cái và về sau là cháu nội ngoại. Bước ngoặt đến vào năm bà 72 tuổi khi đang làm điều dưỡng, một bệnh nhân nói bà trông như người mẫu và khuyên bà nên bước lên sàn catwalk. Lời khen đã khơi lại ước mơ thời trẻ và mở ra chương mới trong cuộc đời bà. Hiện bà thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí và tham gia trình diễn tại các tuần lễ thời trang lớn nhỏ trong nước. Gần đây, bà còn dự thi vòng tuyển chọn đại diện Hàn Quốc tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ sau khi ban tổ chức gỡ bỏ giới hạn độ tuổi.
Bà Choi Soon-hwa tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc 2024 được tổ chức tại Seoul
"Khi tôi còn trẻ, tôi có ước mơ, nhưng nghĩ rằng nó là điều không thể. Giờ đây, khi bước đi trên sàn diễn và thấy được ánh đèn sân khấu, trái tim tôi như reo lên rằng “Đây mới thực sự là mình!”. Dù đã lớn tuổi, tôi vẫn có thể làm được điều này”, bà Choi chia sẻ trên tờ Nikkei Asia.
Đối với bà Choi, điều quan trọng nhất trong tuổi già là giữ được sự tự tin. “Nhờ làm người mẫu, tôi trở nên độc lập thực sự,” bà chia sẻ. “Tôi dần buông bỏ thói quen luôn lo lắng cho con cái, luôn nghĩ mình phải dành hết tiền bạc cho gia đình. Giờ tôi sống cho chính mình.”
Nền kinh tế bạc của Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn khởi sắc
“Bà Choi là hình mẫu tiêu biểu của phụ nữ châu Á kiên cường”, ông Yang Sun-mook, người tổ chức các sự kiện dành cho người cao tuổi nhận định.
Câu chuyện của bà Choi phản ánh rõ nét tiềm năng khổng lồ của nền kinh tế bạc tại Hàn Quốc, nơi các doanh nghiệp đang bắt đầu nhận ra cơ hội để khai thác nhóm khách hàng cao tuổi - một tầng lớp dân số đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu của bà Kim Young-sun, Giám đốc Viện Công nghệ tuổi già và Kinh tế bạc tại Đại học Kyunghee, thị trường này sẽ đạt quy mô 168.000 tỷ won (tương đương 128 tỷ USD) vào năm 2030, tăng gấp đôi so với mức 72.800 tỷ won năm 2020.
Tuy nhiên, bà Kim cho biết sự phát triển kinh tế bạc tại Hàn Quốc vẫn còn tụt hậu so với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc hay Nhật Bản. Thị trường kinh tế bạc Trung Quốc hiện ước tính đã đạt khoảng 966 tỷ USD, trong khi Nhật Bản có thể cán mốc 1.100 tỷ USD vào năm 2030.
ĐỘNG LỰC MỚI CHO NỀN KINH TẾ HÀN QUỐC
Nguyên nhân sâu xa cho sự phát triển nhanh của kinh tế bạc là tỷ lệ sinh thấp đến mức đáng báo động. Năm 2023, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc chạm đáy lịch sử 0,72 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 con/phụ nữ để đảm bảo ổn định dân số.
Dân số trên 65 tuổi ở Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng vọt trong thập kỷ tới, chiếm 40% tổng dân số vào năm 2050
Trong khi đó, Cơ quan thống kê quốc gia dự báo người cao tuổi sẽ chiếm 30,9% dân số vào năm 2036 và lên tới 40% vào năm 2050, tăng gấp đôi so với mức 17,4% năm 2022 và biến Hàn Quốc trở thành quốc gia “siêu già” theo định nghĩa của chính phủ.
Tuy nhiên, lối sống và quan niệm về tuổi già đang có những thay đổi lớn. Người Hàn Quốc trong độ tuổi 55 - 69 ngày nay năng động hơn trước, họ tham gia nhiều hoạt động thể thao, sự kiện ngoài trời và thành thạo công nghệ.
Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, cả nội địa lẫn quốc tế, điều chuyển xu hướng kinh doanh, khi nhóm khách hàng cao tuổi đang ngày càng trở thành đối tượng tiêu dùng tiềm năng. Điều này buộc thị trường phải thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận đối với người tiêu dùng lớn tuổi, từ những cá nhân cần chăm sóc sang nhóm đối tượng năng động, có nhu cầu và kỳ vọng riêng.
Bà Park Yeong-ran, giáo sư ngành công nghiệp bạc tại Đại học Kangnam, cho biết: “Hai thập niên trước, thị trường chủ yếu phục vụ người cao tuổi phụ thuộc. Nay, nó đang chuyển sang phục vụ những người muốn chủ động và tận hưởng cuộc sống phong phú hơn ở tuổi già”.
Tại Hàn Quốc, rất nhiều start-up đã được ra đời mục tiêu cung cấp các dịch vụ y tế cho người cao tuổi, điển hình như JunctionMed với nền tảng theo dõi sức khỏe chuyên biệt, Bredis Healthcare đang phát triển công nghệ nhận diện sớm các chỉ dấu bệnh Alzheimer, hay Caredoc cung cấp dịch vụ chăm sóc người già tại nhà.
Song song đó, thị trường thực phẩm chức năng và thực phẩm chuyên biệt dành cho người cao tuổi cũng tăng trưởng nhanh chóng, từ mức 497 triệu USD năm 2014 lên 1,5 tỷ USD vào năm 2020, và dự kiến đạt gần 2,3 tỷ USD vào năm 2025.
Các tập đoàn thực phẩm lớn như CJ Freshway, Daesang, Pulmuone, và Shinsegae đều đã cho ra mắt dòng sản phẩm “care foods” - những bữa ăn dinh dưỡng được chế biến sẵn, dễ nhai và dễ tiêu hóa, phục vụ người già và người bệnh đang phục hồi.
Shinhan Life Care, công ty con của Ngân hàng Shinhan, cũng đã ký thỏa thuận với tập đoàn Hyundai để xây dựng nhà ở và cơ sở chăm sóc dành cho người cao tuổi.
Ngoài những dịch vụ thiết yếu, các giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần, giải trí và cải thiện phong cách sống cũng liên tục được đẩy mạnh. Chẳng hạn như Athler, nền tảng thời trang trực tuyến dành cho đàn ông trung niên muốn tận hưởng “cuộc sống thứ hai”, và Onew, nền tảng kết nối người cao tuổi với các sở thích chung và hoạt động cộng đồng sôi động, là những ví dụ tiêu biểu.
Nhà tổ chức sự kiện Yang Sun-mook cho rằng ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung có thể hướng tới xuất khẩu sản phẩm dành cho người cao tuổi như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc da - tương tự như cách họ đã thành công với âm nhạc, phim truyền hình hay điện tử thông qua làn sóng Hallyu.
Diệu Hương
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/han-quoc-ky-vong-chuyen-minh-voi-nen-kinh-te-bac-post561591.html