Hàn Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Hàn Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á
3 giờ trướcBài gốc
Bối cảnh chuyến thăm
Chuyến thăm Philippines của Tổng thống Yoon Suk-yeol có ý nghĩa địa chính trị quan trọng và chắc chắn được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, nhất là khi khu vực Đông Nam Á nói riêng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Kết quả chuyến thăm lãnh đạo Hàn Quốc và Philippines đã tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược. Về nguyên tắc, điều này phù hợp với định hướng phát triển của hai nước, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay; song, xét đến bối cảnh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay thì quyết định trên lại mang ý nghĩa địa chính trị sâu sắc.
Seoul và Manila được coi là các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á và đặc biệt là xu hướng Mỹ đang cố gắng tập hợp các liên minh nhóm nhỏ ở khu vực hiện nay nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua mức độ hợp tác ngày càng gia tăng trong khuôn khổ các cơ chế, như liên minh ba bên AUKUS (gồm Mỹ, Australia và Anh), hay Nhóm Bộ Tứ kim cương/QUAD (Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản). Ngoài ra, Mỹ và Australia còn là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes (cùng với Anh, Canada và New Zealand). Các quốc gia đang cố gắng tăng cường hợp tác với từng quốc gia một. Và nếu Hàn Quốc luôn được coi là đồng minh truyền thống của Washington thì với Philippines, mối quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ cũng đã có những giai đoạn khó khăn. Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines quyết định hủy một thỏa thuận quân sự cho phép Mỹ triển khai quân đồn trú tại nước này, khiến quan hệ Philippines - Mỹ rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã thực hiện một số điều chỉnh, trong đó thúc đẩy quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ.
Tháng 4/2024, Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung Typhon ở tỉnh Luzon phía bắc Philippines, một quyết định gây tiếng vang của hai nước và khiến Nga, Trung Quốc đặc biệt lo ngại. Theo giới quan sát, tổ hợp này được điều chỉnh để phóng thẳng đứng tên lửa phòng không dẫn đường SM-6 (bán kính sát thương 370km) và tên lửa hành trình Tomahawk (1.600 km). Chúng có thể tiếp cận các mục tiêu ngay cả ở bờ biển phía đông Trung Quốc.
Tình hình tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng cũng đang diễn biến phức tạp, khó lường. Vùng biển có trữ lượng hydrocarbon khổng lồ, lại là tuyến giao thông đường biển huyết mạch của thế giới nên càng có sức hút mạnh mẽ. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các hòn đảo (trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) bất chấp luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague.
Quan hệ đối tác chiến lược Hàn Quốc - Philippines và lợi ích của Mỹ
Tất cả bối cảnh trên đã làm nổi bật ý nghĩa, mục tiêu trong chuyến thăm Philippines của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, và thực tế vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo. Reuters dẫn tuyên bố chung nêu rõ: “Cả hai nước chia sẻ quan ngại về các hành động ở Biển Đông không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm suy yếu hòa bình và thịnh vượng”. Đồng thời, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, bao gồm trao đổi thông tin cũng như các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Philippines đã ký một số hợp đồng, đặc biệt, đã đạt được thỏa thuận mở rộng sự tham gia của Hàn Quốc vào dự án hiện đại hóa quân sự đang được Philippines thực hiện từ năm 2023 đến năm 2028. Như vậy, Seoul sẽ có thể cung cấp thiết bị quân sự hiện đại cho Philippines, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn của quân đội Mỹ bởi trong kho vũ khí của hai nước hiện nay phần lớn có xuất xứ từ Mỹ.
Trước đó vào tháng 9, Đại sứ Hàn Quốc tại Philippines Lee Sang-hwa nói rằng, thỏa thuận lực lượng viếng thăm giữa hai nước “đang trên bàn đàm phán”. Nếu được ký kết chính thức, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huấn luyện chung của quân đội, cho phép sự hiện diện thường trực của quân đội Hàn Quốc ở khu vực.
Theo Evghenyi Kim, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á hiện đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định, Mỹ đóng vai trò là “chất xúc tác” quan trọng, nhưng không thể phủ nhận mục đích của Hàn Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực phát triển sôi động như Đông Nam Á. Dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol, Hàn Quốc nỗ lực trở thành một quốc gia chủ chốt trên toàn cầu, thể hiện mình là một quốc gia phát triển cao, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về quân sự. Từ vị trí này, Hàn Quốc tìm được điểm chung với Mỹ và cố gắng tham gia tích cực vào hệ thống được gọi là mạng lưới an ninh do Mỹ dẫn dắt.
Những kết quả đạt được trong chuyến thăm tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Hàn Quốc - Philippines thời gian tới, song cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho Mỹ, góp phần thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này, đặc biệt là xây dựng các liên kết nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Một khu vực Đông Nam Á phát triển sôi động ngày càng thu hút được sự hợp tác của các nước lớn, nhưng đồng thời cũng trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực cần phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì vị trí trung lập, cân bằng linh hoạt trong quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/han-quoc-mo-rong-anh-huong-o-dong-nam-a-227116.htm