Hàng loạt quốc gia lên tiếng phản đối thuế quan mới của ông Trump

Hàng loạt quốc gia lên tiếng phản đối thuế quan mới của ông Trump
6 giờ trướcBài gốc
Vào tháng 4, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế “có đi có lại” đối với các đối tác thương mại của Mỹ, căn cứ vào mức thâm hụt thương mại và sự chênh lệch trong đối xử thuế quan. Mặc dù một số quốc gia đã đạt được thỏa thuận để tránh thuế, phần lớn vẫn đang phải thương lượng trong tình thế cấp bách.
Ngày 8/7, ông Trump đã gửi thư đến lãnh đạo của 14 quốc gia, thông báo về mức thuế mới – trong một số trường hợp, thậm chí còn cao hơn so với đề xuất hồi tháng 4. Dù vậy, ông cũng tạm hoãn việc triển khai thuế này đến ngày 1/8, trừ với Trung Quốc.
Các mức thuế có thể lên đến 25–30% và ông Trump cho biết chúng vẫn có thể thay đổi, tùy vào kết quả đàm phán song phương. Điều này khiến thị trường thế giới rơi vào thế bị động, khi chưa rõ ràng về điều kiện miễn trừ hay thời hạn cụ thể của các chính sách mới.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba (phải)
Hàn Quốc phản ứng thế nào?
Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng lên tiếng và cho biết sẽ “tăng tốc các cuộc đàm phán” với Mỹ trước thời hạn 1/8. Theo thư từ phía Mỹ, nước này có thể đối mặt với mức thuế 25% nếu không đạt được thỏa thuận.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc khẳng định mục tiêu là đạt được kết quả “có lợi cho cả hai bên” để sớm giải quyết sự bất ổn do chính sách thuế gây ra. Bộ cũng nhấn mạnh nỗ lực giải quyết thặng dư thương mại với Mỹ và thúc đẩy một “mối quan hệ sản xuất mang tính phục hưng” giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng thừa nhận rằng do chính phủ mới chỉ vừa thành lập vào đầu tháng 6, thời gian thương lượng là quá ngắn để xử lý hết các vấn đề đang tồn tại.
Nhật Bản nói gì về thuế mới?
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với toàn bộ nội các vào sáng thứ Ba. Trong phát biểu được CNN dẫn lời, ông Ishiba bày tỏ mong muốn “sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ nhưng vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Dù khẳng định Nhật Bản đã tham gia vào các cuộc thảo luận “chân thành và nghiêm túc”, ông Ishiba thừa nhận vẫn chưa thể đạt được tiến triển rõ ràng. Ông cũng bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước việc Mỹ đơn phương áp thuế và còn dự định tăng thuế suất.
Tuy vậy, Nhật Bản không đưa ra bất kỳ lời đe dọa trả đũa nào, cho thấy quốc gia này vẫn đặt hy vọng vào giải pháp đàm phán trong hòa bình.
Nam Phi phản đối ra sao?
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 8/7 đã chỉ trích việc Mỹ đơn phương áp mức thuế 30% đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Ông cho rằng các mức thuế này không dựa trên dữ liệu thương mại chính xác.
Theo ông Ramaphosa, 77% hàng hóa Mỹ xuất sang Nam Phi không bị đánh thuế, nên không thể nói rằng Mỹ đang chịu thiệt. Nam Phi khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để xây dựng một quan hệ thương mại “cân bằng và cùng có lợi”.
Ngày 20/5, Nam Phi đã gửi cho Mỹ một đề xuất khung về thỏa thuận thương mại, trong đó giải quyết các quan ngại từ phía Washington như thặng dư thương mại, hành vi thương mại không công bằng và thiếu tương hỗ thuế quan.
Ngọc Linh (Theo CNN)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/hang-loat-quoc-gia-len-tieng-phan-doi-thue-quan-moi-cua-ong-trump-204250907145208039.htm