Hàng loạt vụ tai nạn chết người ở TPHCM do vượt đèn đỏ

Hàng loạt vụ tai nạn chết người ở TPHCM do vượt đèn đỏ
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 4/10, PC08 vừa phát đi thông tin cảnh báo nguy cơ TNGT dẫn đến thiệt hại về người, tài sản do không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Tử vong do cố vượt đèn
Theo PC08, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 sinh viên tử vong do vượt đèn đỏ. Ảnh: PC08.
Cụ thể, rạng sáng 15/3, anh Đ.T.V. (sinh năm 2003, quê Đồng Nai) điều khiển xe máy biển số tỉnh Đồng Nai chở theo chị N.L.C. (sinh năm 2005, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng sinh viên) lưu thông trên đường Đinh Tiên Hoàng, hướng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai về đường Điện Biên Phủ.
Khi đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1), anh V. vượt đèn đỏ, đâm vào đầu xe khách 47 chỗ, biển số TPHCM do ông H.C. (sinh năm 1973, quê Lâm Đồng) điều khiển. Sau va chạm, xe máy ngã văng vào lề, đụng vào nhà dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Hậu quả, V. và chị C. chết tại hiện trường.
Mới đây, chiều 4/6, anh N.V.T. (sinh năm 1995, quê Lâm Đồng) điều khiển xe đầu kéo biển số TPHCM kéo theo sơmi rơ moóc lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ đường Võ Thị Thừa về đường Vườn Lài.
Đến giao lộ quốc lộ 1 - Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12), anh T. cho phương tiện vượt đèn vàng dẫn đến va chạm với xe máy biển số TPHCM do bà B.T.Y. (sinh năm 1964, ngụ quận Bình Tân) cầm lái. Sau vụ tai nạn, bà Y. được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng.
Trước đó, khuya 20/1, ông V.V.H. (sinh năm 1987, quê An Giang, tài xế xe Grab) điều khiển xe máy biển số tỉnh An Giang chở anh N.V.S. (sinh năm 1993, quê Bình Định) lưu thông ở làn đường hỗn hợp trên đường Trường Chinh, hướng từ vòng xoay An Sương về đường Phan Văn Hớn.
Tài xế Grab vượt đèn đỏ, tông vào hông xe tải khiến người đi cùng tử vong. Ảnh: PC08.
Đến ngã ba Đông Quang (phường Tân Thới Nhất, quận 12), nam tài xế cho xe vượt đèn đỏ, rẽ trái để quay đầu về hướng vòng xoay An Sương, dẫn đến va chạm với xe tải biển số Bình Phước anh P.C.C. (sinh năm 1991, quê Bình Phước) điều khiển lưu thông ở làn đường ô tô sát dải phân cách. Vụ tai nạn khiến anh S. tử vong tại chỗ.
Ngoài ra, tại quận Gò Vấp và huyện Củ Chi cũng xảy ra 2 trường hợp đi xe máy vượt đèn đỏ dẫn đến tai nạn làm chết 2 người.
CSGT khuyến cáo gì?
Theo PC08, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Một số người chỉ vì muốn tranh thủ vài giây cho bản thân mà bất chấp vượt đèn đỏ, đèn vàng đã đến dẫn nhiều vụ TNGT gây thương vong cho chính người lái xe và những người khác cùng tham gia giao thông trên đường.
Để đảm bảo an toàn và góp phần xây dựng văn hóa giao thông, PC08 khuyến cáo người dân giảm tốc độ, chú ý quan sát, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu khi di chuyển đến các giao lộ.
Nếu thấy tín hiệu đèn xanh còn 1, 2 giây và chuẩn bị chuyển sang đèn vàng hoặc đèn đỏ (đối với đèn mũi tên báo hiệu cho phép xe đi thẳng hoặc rẽ trái, rẽ phải, quay đầu) thì cần giảm tốc độ và cho xe dừng trước vạch dừng, tránh tình trạng thắng gấp, dễ dẫn đến TNGT.
Hiện trường tai nạn làm một người chết do xe máy vượt đèn đỏ. Ảnh: PC08.
Khi dừng chờ đèn vàng, đèn đỏ, người dân phải dừng đúng làn đường cho phép đối với phương tiện đang điều khiển để tránh gây cản trở quá trình lưu thông của các phương tiện khác.
“Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và những người tham gia giao thông khác”, đại diện PC08 khuyến cáo.
Các mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông
- Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 tháng đến 3 tháng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy.
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng.
- Phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.
Hoàng Thuận
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hang-loat-vu-tai-nan-chet-nguoi-o-tphcm-do-vuot-den-do-post1679135.tpo