Hàng trăm tiểu thương chợ Long Hoa cùng bày tỏ 'tâm tư', vì sao?

Hàng trăm tiểu thương chợ Long Hoa cùng bày tỏ 'tâm tư', vì sao?
4 giờ trướcBài gốc
5 kiến nghị của tiểu thương
Kèm theo đơn và tài liệu, các TT chợ Long Hoa (khu A - B) trình bày: Năm 2002, chợ Long Hoa được quy hoạch thành Trung tâm thương mại Long Hoa (TTTMLH), gồm 2 khu: A - B và C - D. Khi triển khai dự án, chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh ("Công ty XDPTĐTTN") chỉ xây được khu A - B. Khi đưa vào hoạt động năm 2004, khu A - B chỉ sử dụng tầng hầm và tầng trệt với khoảng 210 sạp và ki-ốt. Còn tầng lầu với hơn 200 sạp bỏ hoang gần 20 năm qua, gây lãng phí rất lớn.
Khu C - D được triển khai xây mới từ năm 2016, thay đổi theo mô hình "chợ truyền thống". Trong lúc xây, các TT khu C - D được sắp xếp buôn bán tạm tại mặt tiền (sân) khu A - B. Khi khu C - D đưa vào khai thác năm 2019, các TT không đồng ý thuê mặt bằng do ẩm thấp, không đảm bảo an toàn. Hàng trăm TT khu C - D vẫn kinh doanh tại mặt tiền khu A - B từ năm 2019 đến nay.
Theo quy hoạch mới, khu A - B bị phá bỏ để xây mới, kết nối khu C - D...
Để phản ánh khách quan vụ việc, ngày 25/12/2024, phóng viên (PV) Chuyên đề (Báo) CATP đến UBND TX.Hòa Thành gửi VB đề nghị cung cấp thông tin, với 5 nội dung theo kiến nghị của hơn 150 TT:
Đại diện các tiểu thương trình bày với phóng viên
Thứ nhất, tổng chi phí xây dựng khu A - B là 20 tỷ đồng, sau đó chủ đầu tư thu phí các TT hơn 60 tỷ đồng. Việc xây dựng khu C - D năm 2016 phải phá bỏ các hạng mục đã xây dựng theo thiết kế cũ đã được duyệt (phần nền, móng...) gây lãng phí hàng tỷ đồng.
Thứ hai, hiện tại khu C - D gần như bị bỏ hoang toàn bộ bởi nhiều lý do, trong đó có thiết kế không phù hợp. Trong khi khu A - B chợ Long Hoa đang hoạt động kinh doanh thuận lợi nhưng phải bị phá bỏ để "kết nối khu C - D". Việc kết nối này có phù hợp hay không, rất cần được lãnh đạo và các cơ quan có thẩm quyền thận trọng xem xét; tránh xây xong tiếp tục bỏ hoang.
Thứ ba, hiện khu A - B gắn liền với cuộc sống an sinh của khoảng 170 TT trong nhà lồng chợ, khi đập bỏ sẽ có tác động rất lớn đến đời sống của các TT. Vấn đề này, lãnh đạo UBND TX.Hòa Thành quan tâm, giải quyết như thế nào?
Thứ tư, hiện khu A - B có khoảng 170 TT, nhưng trong phương án sắp xếp di dời lên 433 TT. Đây là con số do UBND TX.Hòa Thành thống kê cả những TT khu C - D trước đây được sắp xếp kinh doanh tạm tại mặt tiền khu A - B?
Thứ năm, việc quy hoạch chợ Long Hoa thành TTTMLH tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức của Nhà nước và hàng trăm TT. Hiện tại, toàn bộ tầng lầu khu A - B và hàng trăm sạp khu C - D bị bỏ hoang, việc quy hoạch mới từ TTTMLH quay về chợ Long Hoa có thể "gây lãng phí chồng lãng phí”, chưa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, rõ nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm quyết tâm chống lãng phí đến cùng.
UBND TX.Hòa Thành nói gì?
Ngày 30/12/2024, UBND TX.Hòa Thành có VB số 1177/UBND gửi Tòa soạn, do Phó Chủ tịch Lê Hồng Vân ký, phản hồi VB đề nghị của PV, tóm tắt như sau:
Về nội dung thứ nhất: Năm 2002, Công ty XDPTĐTTN làm chủ đầu tư TTTMLH với thời gian xây dựng, kinh doanh, chuyển giao là 20 năm. Tổng mức đầu tư được duyệt cho dự án là 41,98 tỷ đồng (làm tròn). Công ty XDPTĐTTN đã hoàn thành đưa vào khai thác khu A - B ngày 31/10/2004. Do biến động giá, tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng lên hơn 97,8 tỷ đồng. Chủ chủ đầu tư gặp khó khăn nên UBND tỉnh Tây Ninh có VB ngày 13/10/2010 chấp thuận cho Công ty XDPTĐTTN không tiếp tục đầu tư khu C - D.
Một góc khu C - D chợ Long Hoa
Công ty XDPTĐTTN quản lý, khai thác khu A - B đến tháng 10/2018. Các TT nộp tiền thuê sạp, ki-ốt cho chủ đầu tư, UBND TX.Hòa Thành không quản lý nguồn thu.
Ngày 02/10/2012, Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Long Hoa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư xây khu C - D. Do không đủ năng lực, Công ty này chỉ làm được phần cọc móng thì ngưng nên bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư ngày 13/6/2014.
Ngày 12/10/2017, UBND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định (QĐ) số 2380/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh TTTMLH theo mô hình "chợ truyền thống" với tổng mức đầu tư hơn 238,27 tỷ đồng. Nội dung chủ yếu: Xây mới khu C - D; tháo dỡ, xây mới khu A - B kết nối khu C - D; thời gian vận hành 29 năm 10 tháng, kể từ Quý II/2019. Công ty XDPTĐTTN tiếp tục thực hiện dự án mới này.
Nội dung thứ hai: Thực hiện QĐ số 2380 nêu trên, Công ty XDPTĐTTN đã xây dựng khu C - D, đưa vào sử dụng ngày 21/01/2019. Công tác tháo dỡ xây lại khu A - B gặp khó khăn, do các TT không đồng ý di dời.
Hầu hết số sạp, ki-ốt khu C - D đã có TT mua. Do khu A - B chưa đầu tư xây dựng, số lượng TT mua bán phía ngoài đông, nên TT đã mua sạp, ki-ốt khu C - D đề nghị tạm kinh doanh bên ngoài thuận lợi, sau khi hoàn thành khu A - B sẽ dời vào khu C - D.
Dự án BOT chợ Long Hoa kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành. Nhằm tạo mỹ quan, đưa TX.Hòa Thành trở thành đô thị loại III năm 2025, TP.Hòa Thành năm 2026 - 2030; HĐND tỉnh Tây Ninh đã ra nghị quyết số 184/NQ-HĐND ngày 25/9/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư chợ Long Hoa khu A - B. Ngày 03/12/2024, UBND tỉnh Tây Ninh ra QĐ số 2326/QĐ-UBND phê duyệt dự án khu A - B tổng mức đầu tư hơn 207,54 tỷ đồng từ nguồn nhân sách tỉnh.
Hiện, UBND TX.Hòa Thành đang triển khai thực hiện theo chủ trương của tỉnh; sẽ di dời TT vào tháng 4/2025, khởi công tháng 5/2025...
Nội dung thứ ba: Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng việc kinh doanh của TT trong thời gia xây khu A - B, UBND TX.Hòa Thành đã có phương án bố trí, sắp xếp kinh doanh tạm đối với TT khu A - B quanh tuyến đường Huỳnh Thanh Mừng (từ cửa 3 đến cửa 7) chợ Long Hoa cho 433 TT với 516 vị trí. Sau khi xây xong chợ tạm, sẽ cho TT bốc thăm theo ngành hàng kinh doanh.
Nội dung thứ tư: Khu A - B hiện có 433 TT (ki-ốt 42 TT, tầng hầm 101 TT, tầng trệt 136 TT, bên ngoài nhà lồng 154 TT). UBND TX.Hòa Thành xây dựng phương án di dời chợ tạm cho 433 TT đang kinh doanh tại khu A - B nhằm tạo điều kiện để tất cả TT ổn định cuộc sống, đảm bảo mặt bằng và an toàn thi công.
Nội dung thứ năm: Từ năm 2002 - 2017, việc đầu tư, xây dựng TTTMLH và chợ truyền thống Long Hoa đều dưới hình thức "BOT". Các TT thuê mặt bằng kinh doanh, nộp tiền cho nhà đầu tư theo hợp đồng ký kết, nên không lãng phí ngân sách.
Tiều thương "tâm tư” điều gì?
Tòa soạn ghi nhận sự tích cực của lãnh đạo UBND TX.Hòa Thành đã có phản hồi sau khi tiếp nhận VB đề nghị của PV, kèm đơn khiếu nại đề ngày 11/12/2024 của các TT. Trong đơn trình bày đề ngày 05/01/2025, đại diện TT cho rằng VB 1177/UBND trả lời chưa đầy đủ, có phần né tránh; một số nội dung nêu chưa đúng sự thật. Trong khuôn khổ bài viết, xin tóm tắt 4 điểm để lãnh đạo UBND TX.Hòa Thành xem xét, có VB trả lời đơn của các TT theo quy định, cụ thể:
Một là, về quy hoạch và chọn chủ đầu tư: Chính UBND TX.Hòa Thành thừa nhận dự án chợ Long Hoa đã kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân chính do việc quy hoạch bộc lộ bất thường (từ chợ Long Hoa quy hoạch thành TTTMLH nhưng không thực hiện đúng, phải điều chỉnh quy hoạch, quay về chợ Long Hoa?) và chọn cả hai nhà đầu tư đều thiếu năng lực? Cần thận trọng xem xét việc phá bỏ khu A - B (giá trị còn lại hơn 10,45 tỷ đồng theo "biên bản bàn giao và tiếp nhận tài sản công" lập ngày 10/5/2018), đảm bảo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng cũng như chống gây lãng phí?
Hai là, về tổng chi phí xây dựng: VB số 1177/UBND nêu lý do không thể xây dựng khu C - D do "biến động giá” từ 41,98 tỷ đồng vọt lên 97,8 tỷ (tăng hơn 2,3 lần) là không chính xác. Bởi thời điểm đó, khu A - B đã xây xong với tổng chi phí khoảng 20 tỷ đồng, đưa vào khai thác thu tiền TT, cần phải tách ra. Còn lại khu C - D phải xác định rõ tổng vốn đầu tư và phần "biến động giá” mới đúng. Dự án chậm triển khai làm "đội vốn" dẫn đến nhiều hệ lụy, nguyên nhân do đâu, ai chịu trách nhiệm?
Ba là, về số lượng TT tại khu A - B: Đề nghị UBND TX.Hòa Thành chỉ đạo kiểm tra lại con số 433 TT tại khu A - B và công khai danh sách để các TT "tâm phục, khẩu phục"? Ngoài ra, số liệu 398/433 TT đã "đồng ý di dời" cũng cần được làm rõ, do có đến 150 TT đã ký đơn khiếu nại, kêu cứu?
Bốn là, về lãng phí: Việc chậm triển khai xây dựng khu C - D dẫn đến khu đất "vàng" bị bỏ hoang nhiều năm vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa mất đi giá trị khai thác như khu A - B, tính ra hàng chục tỷ đồng. Khi khu C - D xây xong, chỉ có vài hộ vào kinh doanh; còn lại khoảng 90% mặt bằng bị bỏ hoang gần 6 năm qua tiếp tục gây lãng phí rất lớn.
VB số 1177/UBND cho rằng "các TT đã mua sạp, ki-ốt khu C - D nhưng muốn tạm kinh doanh bên ngoài, chờ khi hoàn thành khu A - B mới dọn vào khu C - D". Giải thích như thế là thiếu căn cứ, không đúng bản chất vụ việc. Thực tế, các TT đã quen việc kinh doanh bên ngoài, khi khu C - D xây xong, chủ đầu tư BOT công bố giá thuê mặt bằng, nhiều TT không dám vào vì phải chịu áp lực về tài chính.
Đề nghị chủ đầu tư công khai số TT đã thuê sạp, kios khu C - D xong rồi dọn ra bên ngoài buôn bán nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ?...
HẢI VĂN - VĂN CƯƠNG
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/hang-tram-tieu-thuong-cho-long-hoa-cung-bay-to-tam-tu-vi-sao_173068.html