Kim Long Motor Huế ra mắt dòng xe thuần Việt phục vụ khách hàng
Kết nối và tiêu thụ sản phẩm
Việc kết nối và tiêu thụ các sản phẩm địa phương, nhất là sản phẩm OCOP và các sản phẩm truyền thống đặc trưng của các địa phương có vai trò quan trọng trong thực hiện CVĐ. Nhiều mô hình kết nối và tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như việc tổ chức các phiên chợ vùng cao, nơi cung cấp sản phẩm OCOP và sản phẩm truyền thống của các địa phương đã được các cấp, ngành, DN trên địa bàn quan tâm thực hiện nhằm đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (huyện Quảng Điền), ông Nguyễn Lương Trí, các sản phẩm như rau má Quảng Thọ, sản phẩm đặc trưng của Cố đô Huế được nâng cao giá trị và phát triển qua các chiến lược quảng bá đến các thị trường lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
“Việc tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm Việt rất quan trọng. Những hoạt động này không chỉ giúp tăng trưởng tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới việc xuất khẩu các sản phẩm chất lượng của Việt Nam nói chung và của Huế ra thế giới” - ông Nguyễn Lương Trí khẳng định.
Nói về việc đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Lương Bảy cho biết, thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, như bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Đặc biệt là việc tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của thành phố đã mở rộng được kênh tiêu thụ, đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm chủ lực địa phương thu hút khách hàng
Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền sản xuất với những đột phá về công nghệ đang được phát triển mạnh mẽ. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội để DN tiếp cận, ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững. CVĐ chính là động lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để DN Việt nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
“Ứng dụng khoa học công nghệ được coi là “thước đo” để đánh giá và định hướng phát triển sản phẩm, là nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao giá trị, đảm bảo tính cạnh tranh, giữ vững niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá cả để hàng Việt Nam thực sự hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước. Do đó, đơn vị đã hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gia tăng số lượng DN và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường; hỗ trợ bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm địa phương giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại; hỗ trợ đổi mới, cải tiến, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố”, bà Trần Thị Thùy Yên thông tin.
Doanh nghiệp chủ động, chính quyền trợ lực
Có thể khẳng định, CVĐ đã giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các DN Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các DN Việt Nam đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của DN Việt cũng bài bản, hiệu quả hơn. Vì vậy, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng hàng Việt Nam. Sau gần 15 năm thực hiện CVĐ, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam ngày càng được cải thiện cả về chất lượng, mẫu mã bao bì, giá thành hợp lý...
Những chiếc ô tô thương hiệu Việt lắp ráp tại TP. Huế được bàn giao cho khách hàng
CVĐ còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước và khuyến khích DN nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Những nỗ lực này đã mang lại nhiều thành quả đáng khích lệ. Các sản phẩm mang đậm bản sắc Huế không chỉ chiếm lĩnh thị trường tại địa phương, mà còn mở rộng ra trong nước và quốc tế. Các DN địa phương tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm và quảng bá sản phẩm, nâng cao uy tín và vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế - ông Nguyễn Tiến Hậu đề xuất: Chính quyền cần nghiên cứu, triển khai các chương trình, hoạt động là cầu nối giữa DN Việt với người tiêu dùng Việt để DN có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt đến người tiêu dùng. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp và tạo điều kiện tốt hơn cho các DN Việt Nam, đặc biệt là trong các hoạt động đầu tư, đấu thầu, công tác thanh tra, kiểm tra... để giảm áp lực cho DN Việt trong quá trình cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN thương mại, nhập khẩu hàng hóa phân phối tại Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh và quan tâm tạo điều kiện trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để DN có điều kiện mở rộng quy mô, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Để CVĐ tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ các DN phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu, thị trường, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và DN về ý nghĩa CVĐ, phát huy vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các DN. Về phía các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần chú trọng sản xuất, cung ứng cho thị trường những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị, mở rộng kênh phân phối, kết nối phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH