Dấu ấn cải cách tư duy và lấy con người làm trung tâm phát triển
- Nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, ông nhận định ra sao về những bước tiến trong phát triển kinh tế của Việt Nam? Trong suốt hành trình đó, đâu là dấu ấn sâu đậm nhất theo quan điểm của ông?
TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Việt Nam: Sau tròn 5 thập niên kể từ ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam nay đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Cùng với quá trình cải cách và mở cửa, khả năng thích ứng và mức độ chống chịu của nền kinh tế ngày càng được nâng cao. Thực tiễn giai đoạn vừa qua cho thấy, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, Việt Nam đã vững vàng vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kế đến là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Dấu ấn đặc biệt nhất là sự tăng trưởng kinh tế này đi kèm với các tiến bộ xã hội, các yếu tố xã hội, bình đẳng, môi trường, sinh thái. Ví dụ cụ thể nhất là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nổi bật về nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong số các quốc gia đang phát triển. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục cải thiện, đạt 0,73 điểm năm 2023, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Việc lấy con người làm trung tâm của quá trình phát triển cũng là dấu ấn đặc biệt; cùng với đó, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế Việt Nam không ngừng được củng cố.
TS. MẠC QUỐC ANH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Trong những chặng đường bứt phá từ sau ngày thống nhất đất nước, dấu ấn kinh tế đặc biệt nhất của Việt Nam, theo tôi, chính là công cuộc Đổi mới năm 1986, khi chúng ta quyết định chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, chỉ trong một thập kỷ, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ hơn 60% xuống còn 32%, lạm phát từ ba con số trở về mức một chữ số. Từ nước phải nhập khẩu gạo, Việt Nam lần đầu tiên ghi tên mình vào danh sách quốc gia xuất khẩu gạo vào năm 1989. Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên thu hút FDI vượt 10 tỷ USD. Đổi mới không chỉ cải thiện các chỉ số thống kê, mà theo tôi, quan trọng hơn cả là đã tạo ra một tư duy cải cách, dám tháo bỏ các rào cản khi cần thiết.
Ông ĐỖ VĂN VẺ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Sau 50 năm, với những bước đi đúng và trúng, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã giữ được nhịp độ tăng trưởng nhanh, bền vững; đẩy mạnh đối ngoại đa phương và có nhiều đối tác quốc tế đồng hành lâu dài; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Nhờ đó, trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động, nền kinh tế vẫn duy trì được sự ổn định.
Chúng ta cũng có một hệ thống pháp luật thống nhất, được thực thi tương đối tốt. Hệ thống chính trị mang tính kế thừa cao, nên dù có sự thay đổi về nhân sự hay nhiệm kỳ, đất nước vẫn vận hành ổn định, không bị gián đoạn phát triển. Đặc biệt thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước tích cực cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.
Bài học lớn nhất: dám nghĩ, dám làm; kết hợp hài hòa giữa đổi mới và ổn định, giữa nội lực và hội nhập
- Sau 50 năm với nhiều bước ngoặt lịch sử - từ hậu chiến, khủng hoảng kinh tế đến quá trình đổi mới và hội nhập, theo ông, bài học lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là gì?
TS. LÊ DUY BÌNH: Theo tôi, bài học lớn nhất là khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, kết hợp hài hòa giữa đổi mới và ổn định, giữa nội lực và hội nhập. Với tinh thần này, phát triển kinh tế được ưu tiên hàng đầu nhưng quá trình phát triển luôn coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Các thành tựu về phát triển con người, giáo dục y tế, văn hóa, thể thao, môi trường sinh thái luôn song hành với quá trình phát triển.
Sau nửa thế kỷ, bài học về bảo đảm độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước càng khẳng định ý nghĩa. Quá trình hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới cần được thực hiện trên nền tảng xây dựng một nền kinh tế mạnh, tự cường, dựa trên các năng lực nội sinh của nền kinh tế. Vì thế, cần phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Một bài học quan trọng khác là phát triển kinh tế phải song hành với nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, môi trường đầu tư - kinh doanh. Cải cách mạnh mẽ không chỉ mở rộng không gian tăng trưởng mà còn nâng cao chất lượng quản trị, kỷ cương hành chính, dịch vụ công, thông qua phân cấp, phân quyền hiệu quả và cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực. Thể chế thị trường của nền kinh tế nhờ đó sẽ ngày một hoàn thiện hơn.
TS. MẠC QUỐC ANH: Bài học lớn nhất của kinh tế Việt Nam sau nửa thế kỷ là biết dựa vào nội lực nhưng luôn mở cửa với ngoại lực. Từ chỗ “tự cấp, tự túc”, chúng ta chuyển sang mô hình xuất khẩu dẫn dắt, đưa Việt Nam vào top 20 quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu gấp 1,6 lần GDP.
Tiếp đến, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết. Những kinh nghiệm kiểm soát lạm phát giai đoạn 1988 - 1989, vượt qua khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 hay đại dịch Covid-19 đã cho thấy: một khi để “mất ổn định”, toàn bộ thành quả tăng trưởng có thể bị xóa trắng. Bên cạnh đó, vốn con người và sự đồng thuận xã hội là lợi thế chiến lược. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt 97%, nữ giới tham gia lực lượng lao động trên 70% - đây không chỉ là ưu thế nhân khẩu học mà còn là yếu tố lan tỏa lợi ích cải cách, giảm thiểu phản ứng tiêu cực.
Một bài học then chốt khác là cải cách thể chế phải song hành cùng công nghệ. Từ Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Đầu tư 2005 đến Cổng Dịch vụ công trực tuyến năm 2020, có thể thấy khi thể chế “chạy trước một bước”, nó trở thành chất xúc tác để tích tụ vốn công nghệ và tri thức. Và cuối cùng, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại là “lá chắn” chống lại cú sốc toàn cầu. Trước thách thức từ chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ, doanh nghiệp Việt vẫn đứng vững nhờ đã kịp thời mở rộng thị trường sang EU, CPTPP, Trung Đông và châu Phi.
ÔNG ĐỖ VĂN VẺ: Bài học lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam rút ra sau nửa thế kỷ chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và một chân lý không thể phủ nhận: không thế lực nào có thể thay đổi được thể chế chính trị của chúng ta. Đó chính là cái gốc vững chãi của mọi thành tựu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đi đúng chủ trương, đường lối. Mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ đều có tổng kết, đánh giá: mặt mạnh thì phát huy, mặt yếu thì kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đồng thời, chúng ta cũng luôn sẵn sàng tiếp thu tinh hoa của thế giới, linh hoạt vận dụng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và chủ động đổi mới trong mọi hoàn cảnh. Tôi cho rằng đó là biểu hiện của một tầm nhìn chiến lược không chỉ cho 50 năm mà còn cho cả trăm năm, thậm chí xa hơn nữa.
Ưu tiên chiến lược là nâng cao sức mạnh của nền kinh tế
- Chúng ta đang hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Theo ông, các ưu tiên chiến lược Việt Nam cần tập trung từ bây giờ là gì?
TS. LÊ DUY BÌNH: Tôi cho rằng ưu tiên chiến lược vẫn là nâng cao sức mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, tính tự lực, tự cường của nền kinh tế. Nền kinh tế dứt khoát phải thoát được bẫy thu nhập trung bình, và được chuyển dịch thành công từ một nền kinh tế dựa vào nhân tố sản xuất sang một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, lấy công nghệ, tri thức, năng suất lao động làm nền tảng cho tăng trưởng. Cùng với việc mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế, kinh tế tư nhân, thị trường trong nước, năng lực cạnh tranh nội tại của nền kinh tế ngày càng được chú trọng hơn. Ngoài ra, cần coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, gắn vấn đề phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, môi trường, lấy con người làm trung tâm phát triển.
Bên cạnh đó, nỗ lực cải cách thể chế cần được tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của cả nền kinh tế. Môi trường thể chế tốt cũng sẽ củng cố lòng tin của các nhà đầu tư; củng cố vị trí của Việt Nam trên bản đồ thu hút đầu tư, thương mại trên toàn cầu; kích thích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ việc phát huy các động lực tăng trưởng mới. Những ưu tiên chiến lược này sẽ tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, tự chủ, tự cường và phát huy mạnh mẽ năng lực nội sinh để trở thành một nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Đổi mới thể chế, tinh thần tự cường và chuyển đổi số để bứt phá. Nguồn: ITN
TS. MẠC QUỐC ANH: Để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần nâng năng suất lao động tối thiểu 6% mỗi năm - yếu tố then chốt để GDP/người đạt ngưỡng trên 13.000 USD theo kịch bản của Ngân hàng Thế giới. Theo tôi, cần hình thành “tam giác động lực”: đẩy mạnh số hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ, tự động hóa các khu công nghiệp và thúc đẩy kinh tế nền tảng.
Cụ thể, Việt Nam cần bước lên nấc giá trị cao trong chuỗi cung ứng: chuyển từ lắp ráp cuối sang thiết kế chip, linh kiện quan trọng, dịch vụ R&D, y sinh và công nghệ sạch; phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trung tâm dữ liệu để khai thác làn sóng “China+1/China+2”. Bên cạnh đó, cần xanh hóa tăng trưởng. Cam kết phát thải ròng bằng 0 năm 2050 đòi hỏi đưa giá carbon, thị trường tín chỉ và tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào luật; nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên trên 45% công suất điện năm 2045.
Về thể chế, cần hoàn thiện “Chính phủ số một cửa” vào năm 2030, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh xuống còn không quá 1 ngày, hải quan 100% không giấy tờ; tăng minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích và cải cách tư pháp kinh tế. Trong tài chính, cần nâng tỷ lệ tín dụng/GDP từ 125% lên 150%, song song với việc tuân thủ Basel III, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, thí điểm ngân hàng số (neo bank) và sandbox FinTech.
Một nhiệm vụ quan trọng là phát triển vốn nhân lực cho giai đoạn hậu dân số vàng - dự kiến từ năm 2035; trọng tâm chuyển từ đại trà đại học sang kỹ năng số và kỹ thuật; khuyến khích học tập suốt đời và thu hút chuyên gia Việt kiều. Về hạ tầng, cần hoàn thiện 5.000km đường cao tốc, triển khai đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang trước 2035; đầu tư cảng Liên Chiểu và Cái Mép trở thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, đồng thời phát triển mạnh logistics lạnh phục vụ nông sản.
Chúng ta cũng phải xác định đổi mới sáng tạo bản địa là nền tảng, theo đó, cần tăng chi R&D lên 2% GDP (hiện khoảng 0,9%), hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm công - tư, cụm đại học - doanh nghiệp, sửa luật để doanh nghiệp được khấu trừ 200% chi R&D. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống an sinh đa tầng, áp dụng thuế tài sản lớn để tài trợ cho y tế và đào tạo kỹ năng cho lao động bị thay thế bởi tự động hóa, hiện đại hóa nông thôn bằng “tam nông số”. Việt Nam cũng cần tăng khả năng chống chịu trước cú sốc. Cụ thể là xây dựng các quỹ bình ổn năng lượng, lúa gạo và ngoại hối đủ cho 6 tháng nhập khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thành lập tổ phản ứng chính sách nhanh đi kèm các kịch bản kinh tế - địa chính trị.
Nửa thế kỷ qua, hành trình phát triển của Việt Nam là minh chứng sống động rằng: cải cách thể chế đúng lúc, ưu tiên con người và hội nhập thông minh có thể đưa một quốc gia nghèo vươn lên nhóm thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Bài học cốt lõi là: “Không ngừng thay đổi khi thế giới thay đổi, nhưng giữ vững mục tiêu phồn vinh có bao trùm xã hội”. Nếu kiên trì thực hiện các ưu tiên chiến lược nêu trên, duy trì tăng năng suất và ổn định vĩ mô, mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 hoàn toàn khả thi.
ÔNG ĐỖ VĂN VẺ: Theo tôi, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường ngắn nhất để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta đã có Nghị quyết, vấn đề còn lại là triển khai quyết liệt, mạnh mẽ. Chúng ta cần áp dụng một luật sửa nhiều luật để tránh tình trạng tắc nghẽn thể chế. Nếu thực hiện thật tốt, đất nước sẽ có cơ hội cất cánh nhanh hơn bao giờ hết.
Chúng ta cũng đã có 17 hiệp định thương mại tự do, đây là lợi thế lớn để thúc đẩy hàng hóa hội nhập, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào. Đây cũng là cơ hội để ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ, mạnh dạn thúc đẩy chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách thể chế theo hướng thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự tạo dựng được nền tảng phát triển mạnh mẽ và bền vững cho tương lai.
Vũ Quang