Dọc dài từ đất liền đến biển, đảo, chúng tôi đã được chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện chân thực, xúc động về sự chung sức, đồng lòng của quân và dân trong hành trình hồi sinh những vùng đất “chết”.
Để rồi 50 năm sau ngày đất nước giải phóng, từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, thách thức, miền Tây Nam Bộ hôm nay đã vươn mình trỗi dậy, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Một góc thành phố Cần Thơ hôm nay. Ảnh: Chí Quốc
Mạch sống sinh sôi từ những vùng đất “chết”
Bên tách trà buổi sớm, ông Nguyễn Văn Tư cùng những người đồng đội, những cựu chiến binh từng tham gia các trận đánh giải phóng vùng đất khóm An Hòa A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trò chuyện rôm rả. Điều bất ngờ là câu chuyện họ nhắc đến không phải về những ngày chiến tranh khốc liệt, mà là sự đổi thay diệu kỳ của vùng đất Ba Chúc hôm nay.
Ông Tư hồ hởi chia sẻ: “Giờ đây, chỉ cần ngồi ở nhà hay quán cà phê, muốn ăn gì, gọi điện là có người mang đến tận nơi. Còn đi lại từ Ba Chúc ra trung tâm huyện, trung tâm tỉnh, hay về Cần Thơ, qua Hà Tiên, lên biên giới... thì hệ thống đường bộ đã kết nối thông suốt. Sống ở biên giới mà tiện nghi thế này thì còn gì bằng!”.
Thực tế cho thấy, hòa cùng những thành tựu sau 50 năm giải phóng đất nước, vùng đất Ba Chúc hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Nếu ngày trước, Ba Chúc chỉ còn là hoang tàn đổ nát dưới chính sách tàn bạo “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” của bè lũ Pôn Pốt thì nay, vùng đất này đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một khu vực có kinh tế phát triển. Bình quân thu nhập của người dân Ba Chúc hiện đạt trên 74 triệu đồng mỗi năm. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc với những ngôi nhà kiên cố vững chãi, những con đường trải nhựa thẳng tắp và những cánh đồng lúa bạt ngàn, xanh tốt...
Là một trong những hộ dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn của khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc vươn lên thoát nghèo, bà Neang Sóc Phép bộc bạch: “Năm vừa rồi tôi được địa phương hỗ trợ căn nhà từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và cặp bò sinh sản để làm tư liệu sản xuất. Được địa phương hỗ trợ, nhà tôi không còn khó khăn, con tôi được ăn học đàng hoàng”.
Rời Ba Chúc, chúng tôi đến với thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Từ trong gian khó, những con người nơi đây đã đứng dậy biến vùng biên viễn thành nơi khởi nguồn của niềm tin và khát vọng. 50 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng biên giới chịu nhiều tổn thương do chiến tranh, Hà Tiên đã vươn mình thành đô thị sầm uất. Một thành phố vừa mang vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa là trung tâm giao thương, góp phần giữ vững chủ quyền và thúc đẩy phát triển vùng biên giới Tây Nam.
Để giúp cho ngành thương mại địa phương phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo thành phố đã chủ động thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình kinh do-anh trong các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ, trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đăng ký một số thương hiệu sản phẩm đặc trưng... Từ đó nâng cao chuỗi giá trị, sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh cao, mang lại lợi nhuận kinh tế bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.
Hoạt động dịch vụ du lịch cũng được thúc đẩy. Các địa điểm du lịch ở Hà Tiên, dù trải qua quá trình đầu tư và phát triển, vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, với hệ thống đền, chùa, lăng tẩm mang đậm vẻ cổ kính. Chính những giá trị văn hóa và thiên nhiên này đã thu hút đông đảo du khách đến với Hà Tiên. Theo thống kê năm 2024, thành phố Hà Tiên đã đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, đạt 116% so với kế hoạch đề ra, cho thấy sự thành công vượt bậc trong việc phát triển du lịch.
Mở ra nhiều cơ hội phát triển
50 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, với sự ưu tiên các nguồn lực từ Trung ương, sự nỗ lực của địa phương, kinh tế - xã hội của vùng Tây Nam Bộ đã và đang ghi dấu những thành quả ấn tượng, khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước. Sự thay đổi rõ rệt, có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống nhân dân trong vùng là quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, hàng hóa. Đến nay, vùng đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Để mở ra cơ hội cho vùng Tây Nam Bộ, thời gian qua, Trung ương đã đầu tư nhiều về hạ tầng giao thông. Theo Bộ Xây dựng, hiện nay vùng Tây Nam Bộ đã và đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong số đó có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km và 2 dự án cầu, đường bộ. Nhiều dự án cao tốc mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận...
Dõi theo từng lộ trình phát triển của quê hương, nhìn các tuyến cao tốc dài tít tắp, dần nên hình nên dáng, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Lê Thanh Sơn, nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, người từng tham gia giải phóng miền Nam không khỏi xúc động: “Ở miền Tây Nam Bộ, vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để di chuyển từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ là điều trước đây nhiều người không dám nghĩ đến. Và câu hát “Cà Mau xa lắm” sẽ là hoài niệm khi hàng loạt tuyến cao tốc kết nối liên vùng giúp Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và vùng ven biển phía tây với U Minh Thượng của bán đảo Cà Mau gần nhau hơn, kết nối với tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và các tuyến N1, N2. Cuối năm nay, cầu Rạch Miễu 2 thông tuyến, đồng thời, triển khai xây dựng cầu Đình Khao và các cầu khác trong vùng. Không còn cảnh qua sông phải lụy đò, giao thông thuận lợi sẽ tạo động lực phát triển sau sáp nhập tỉnh”.
Thực tế đã chứng minh, giao thông đi trước, kinh tế phát triển theo sau. Hơn 1 năm tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được thông xe, đưa vào khai thác (ngày 30-12-2023), đến nay hai dự án này đã tác động nhiều mặt đến kinh tế các địa phương nằm dọc theo tuyến cao tốc và cả vùng.
Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước đây tỉ lệ doanh nghiệp vào hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ) và Khu công nghiệp Bình Minh (thị xã Bình Minh) đạt dưới 50%, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay tăng lên 96,3%. Kết quả này là nhờ giao thông được kết nối, kéo giảm chi phí logistics, vận chuyển. Các doanh nghiệp, nhất là các do-anh nghiệp FDI tại khu vực miền đông, thành phố Hồ Chí Minh về hoạt động, đầu tư nhiều hơn. Tính đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đã thu hút 68 dự án đầu tư, với tổng vốn thực hiện/đăng ký hơn 2.126 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 48.000 lao động.
Từ “vùng trũng” cao tốc, đến nay trong vùng đã có 120km cao tốc được đưa vào khai thác. Nhiều địa phương trước đây ở vị thế hẻo lánh, khó khăn về giao thông nhưng gần đây kinh tế đã từng bước phát triển. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,31%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, nhiều địa phương dẫn đầu, như Trà Vinh đạt 10,04%, đứng đầu Tây Nam Bộ và thuộc top 10 của cả nước; tiếp đến là Hậu Giang đạt 8,76%, Long An đạt 8,3%, Kiên Giang 7,5%, Tiền Giang đạt hơn 7%. Mức thu nhập bình quân đầu người trong vùng đạt 80,7 triệu đồng/năm, đứng thứ 5/6 so với các vùng trên cả nước.
Trải qua 50 năm xây dựng quê hương hòa bình, thịnh vượng, nhìn bức tranh kinh tế - xã hội với nhiều gam màu tươi sáng, các cựu chiến binh như ông Tư hay Anh hùng LLVT Lê Thanh Sơn và nhiều người tin rằng, những gì họ và đồng đội đã đánh đổi sẽ không uổng phí. Những con đường, những khu dân cư khang trang, những mảnh vườn xanh tốt hôm nay là minh chứng cho sự đổi thay. Nhưng hơn hết, đó là niềm tin vào thế hệ sau - những người đã và đang viết tiếp câu chuyện phát triển của vùng đất Tây Nam Bộ hôm nay và mai sau.
Thúy An