Hệ thống phòng không IRIS-T mà Đức sắp gửi cho Ukraine mạnh đến đâu?

Hệ thống phòng không IRIS-T mà Đức sắp gửi cho Ukraine mạnh đến đâu?
3 giờ trướcBài gốc
Sau thời gian liên tục yêu cầu phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không, Ukraine tuần qua đã đạt được kết quả khi Đức thông báo sẽ cung cấp thêm 17 hệ thống phòng không IRIS-T cho Kiev.
Theo tờ Kyiv Independent, sự hỗ trợ của Đức được đưa ra vào thời điểm “không thể quan trọng hơn với Ukraine” khi Nga gần đây tăng cường các đợt không kích quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tại nhiều tỉnh thành trên khắp Ukraine.
Biết gì về hệ thống phòng không IRIS-T?
Theo hãng tin Bloomberg, đến năm 2026, Ukraine dự kiến sẽ nhận được 24 hệ thống phòng không IRIS-T từ Đức, bao gồm 12 phiên bản tầm trung (IRIS-T SLM) và 12 phiên bản tầm ngắn (IRIS-T SLS).
Hệ thống tầm ngắn có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 12 km và ở độ cao lên tới 8 km, trong khi đó, hệ thống tầm trung có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 40 km và ở độ cao 20 km.
Thủ tướng Đức Olaf Schol giới thiệu hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM đầu tiên của Đức tại căn cứ quân sự Todendorf ở vùng Panker (Đức) ngày 4-9. Ảnh: AFP
IRIS-T có thể mang theo tám tên lửa, có tính cơ động và có thể vận chuyển trên xe tải do nhà sản xuất Diehl Defense của Đức chế tạo.
“Một trong những lợi thế của IRIS-T là khả năng cơ động, giúp giảm khả năng vũ khí này bị tấn công” - ông Fabian Hoffmann, chuyên gia về công nghệ tên lửa tại ĐH Oslo (Đan Mạch), nhận định.
Các tên lửa được trang bị trên IRIS-T có thể đạt tốc độ khoảng Mach 3 (1.020 m/giây) và được phóng theo phương thẳng đứng nên không có điểm mù ngay phía trên hệ thống.
Tên lửa cũng được trang bị hệ thống vectơ lực đẩy giúp cải thiện khả năng cơ động và hệ thống dẫn đường hồng ngoại phản ứng với nhiệt phát ra từ mục tiêu giúp tăng độ chính xác.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng không IRIS-T cũng được trang bị radar giám sát không phận TRML 4D có khả năng hoạt động tốt ngay cả trong những môi trường nhiều vật thể gây nhiễu.
“Khi quét tên lửa hành trình hoặc UAV bay khá gần mặt đất, sẽ có cây cối, núi non, nhiều tòa nhà cản đường và phải lọc ra những thứ đó để phân biệt đâu mối đe dọa thực sự. IRIS-T có tầm xa với khả năng lọc nhiễu tuyệt vời và khả năng theo dõi mục tiêu bay đến, sau đó dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tiến đến mục tiêu đó” - ông Hoffmann nói thêm.
Những mục tiêu trên không nào IRIS-T có thể bắn hạ?
IRIS-T được tối ưu hóa để phòng thủ trước các mục tiêu bay với độ cao thấp, có tốc độ cận âm và tiết diện radar thấp như tên lửa hành trình, nhưng không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Trong hầu hết các cuộc tấn công hàng loạt của Nga, tỉ lệ thành công cao nhất là bằng tên lửa đạn đạo. Cho đến nay, Ukraine chủ yếu dựa vào hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Các tên lửa đạn đạo như Iskander M hoặc Kinzhal của Nga tiếp cận từ độ cao lớn và sau đó lao xuống với tốc độ cao, lên tới 3.200 km/giờ.
“Nếu muốn bắn hạ một tên lửa đạn đạo, cần phải kết hợp một số thiết bị dẫn đường để tên lửa đánh chặn có thể tự động hoặc độc lập điều chỉnh hướng bay trước khi phát nổ. Điều đó không xảy ra với IRIS-T, đó là lý do tại sao chúng thực sự không thể phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo” - theo chuyên gia Hoffmann.
Hệ thống phòng không IRIS-T SLM tại căn cứ quân sự Todendorf ở vùng Panker (Đức) ngày 4-9. Ảnh: GETTY IMAGES
Gia tăng nguy cơ về các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo
Ukraine thời gian qua thường xuyên báo cáo về các cuộc tấn công của Nga bằng các tên lửa đạn đạo như Iskander và Kinzhal. Các chuyên gia dự đoán rằng các cuộc tấn công như vậy có thể sớm tăng lên.
Vì vậy, mặc dù được triển khai với số lượng lớn, hệ thống IRIS-T vẫn sẽ không hiệu quả trong việc đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, hệ thống này vẫn hữu ích trong việc bắn hạ hiệu quả các mục tiêu bay thấp như máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, UAV và những loại vũ khí mà Nga thường sử dụng.
Chỉ riêng trong tháng 8, Lực lượng Lục quân Ukraine tuyên bố bắn hạ 5 máy bay, 2 trực thăng, 1.539 UAV và 150 tên lửa Nga.
“Những hệ thống như IRIS-T rất quan trọng để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, đặc biệt là khi Kiev thiếu máy bay để đánh chặn các hệ thống do Liên Xô sản xuất” - ông John Hardie, phó giám đốc Chương trình Nga tại viện nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (trụ sở Mỹ), nói với Kyiv Independent.
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù có hiệu quả chống lại các mục tiêu bay thấp và được các nước đồng minh tăng cường tiếp tế, số lượng IRIS-T vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
“Số lượng vũ khí mà Đức cam kết khá đáng kể, ít nhất là khi so sánh với những gì các quốc gia khác hiện đang triển khai hoặc có kế hoạch triển khai. Thật không may, điều đó vẫn không đủ trong bối cảnh Ukraine hiện tại” - theo ông Hoffmann.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/he-thong-phong-khong-iris-t-ma-duc-sap-gui-cho-ukraine-manh-den-dau-post809240.html