Những ngày đầu năm 2025, thông tin về cụ ông Ngô Văn Đương (85 tuổi) thôn An Mỹ, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) tự nguyện đập tường mở rộng ngõ khiến không chỉ hàng xóm láng giềng - những người được hưởng lợi trực tiếp - phấn khởi mà khiến nhiều người thầm thán phục.
Người dân thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng, tỉnh Bắc Kạn chung tay làm đường liên thôn. Ảnh: Báo Nhân dân
Bức tường cũ nằm đúng nút cổ chai, hai chiếc xe đạp tránh nhau còn khó đã được thay bức tường mới, kiên cố, phẳng phiu, nhích vào trong khoảng 40cm, để lộ khoảng trống khiến con ngõ nhỏ thông thoáng hơn, xe ba bánh cũng có thể chạy vào được.
Không chỉ ở Hà Nội, tại Bắc Kạn, Tết này người dân trong bản Nà Chuông đã có đường mới để đi. Nà Chuông là một trong những thôn nghèo nhất của thành phố Bắc Kạn với 100% dân là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Hoa. Trước đây, Nà Chuông không có đường giao thông, người dân phải đi men theo sườn núi để ra xã, dần dần trở thành con đường đất rộng chưa đầy 1m, cho nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Với sự vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân ở đây đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất làm một con đường dài 500m từ thôn ra trung tâm xã Nông Thượng. Những gia đình có đất nằm trên con đường đi qua tự nguyện hiến đất để làm đường.
Làm đường đến đâu thì người dân hiến đất đến đó, không tính toán là hiến bao nhiêu mét, miễn là thôn có được con đường to đẹp để việc đi lại và chuyên chở hàng hóa đỡ khó khăn. Những gia đình khác ủng hộ ngày công và đóng góp được hơn 30 triệu đồng để thuê máy móc thi công.
Cùng với người dân cả nước, người dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nhiều năm qua đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường và các công trình công cộng, trở thành điểm sáng của toàn tỉnh trong phong trào vận động nhân dân hiến mở rộng đường giao thông.
Con đường liên thôn xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được mở rộng từ 3,5m lên thành 8m vừa được hoàn thành cuối năm 2024, trong đó huy động sự ủng hộ đóng góp của người dân trong thôn. Gia đình bà Nguyễn Thị Hương, thôn Vân Lập (xã Ngọc Vân) cũng đã đã hiến hơn 30 m2 đất thổ cư. Việc hiến đất làm đường giúp người dân trong thôn có thể vận chuyển hàng hóa số lượng lớn, góp phần giảm chi phí vận chuyển.
Theo ông Dương Ngô Khoát - Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân, đến nay người dân trong xã đã hiến hơn 20.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng các khu trung tâm văn hóa, thể thao và các công trình phúc lợi, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thời buổi ‘tấc đất, tấc vàng’, chỉ 1-2 m2 đất cũng là cả vấn đề. Những hành động đẹp trong việc hiến đất làm đường hay mở rộng đường từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi là những hành động đẹp, truyền cảm hứng cho nhiều người dân.
Theo đó, không chỉ các gia đình tại thôn An Mỹ (xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lần lượt cam kết, khi xây nhà mới sẽ chủ động nhích vào trong, hiến đất để ngõ xóm thông thoáng hơn. Nghĩa cử cao đẹp, vì lợi ích chung của những người dân hiến đất làm đường, mở rộng đường sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và còn được nhân rộng ra khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Việc chung tay xây dựng các công trình công cộng, trong đó có phong trào hiến đất làm đường sẽ tạo bộ mặt mới không chỉ cho những phố nhỏ, ngõ nhỏ của Hà Nội mà còn tại các khu vực vùng nông thôn, miền núi.
Nguyễn Hạnh