Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại là giải pháp trọng tâm thúc đẩy công nghiệp Thái Nguyên tăng trưởng mạnh mẽ. Trong ảnh: Khu công nghiệp Yên Bình (ảnh tư liệu).
Chọn khâu đột phá
Để tăng “dư địa” phát triển công nghiệp, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch. HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 các khu công nghiệp (KCN) mới gồm: KCN đô thị - dịch vụ Phú Bình, KCN đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, Yên Bình 3 và Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
Trên cơ sở Nghị quyết này, các sở, ban, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng, trình thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch và công bố quy hoạch...
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, chia sẻ: Từ năm 2023 đến nay, Ban đã hoàn thành Đồ án quy hoạch 1/2.000 các KCN Thượng Đình, Yên Bình 2, Yên Bình 3, đồng thời phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức công bố theo quy định. Hiện tại, Ban đang thực hiện trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung KCN đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên đến năm 2045 và lập kế hoạch và tổ chức cắm mốc giới đối với KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, Yên Bình 3...
Đối với mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ thông tin tập trung, tỉnh đã hoàn thành và đang tổ chức công bố rộng rãi Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với diện tích 200ha, trên địa bàn huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên. Đây sẽ là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Quy hoạch khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và cụm công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh cũng tăng cường công tác thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án vào các khu, CCN; lãnh đạo tỉnh tổ chức các hội nghị đánh giá tiến độ, rà soát khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy đầu tư hạ tầng các cụm, KCN.
Tỉnh cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn, điện tử. Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông tuyển 150 chỉ tiêu chuyên ngành đào tạo AI, Big data và 150 chỉ tiêu đào tạo vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã mở lớp đào tạo sinh viên chính quy ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn và vi mạch khóa đầu tiên với 49 sinh viên...
"Đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế
Nhờ chú trọng đầu tư, phát triển các khu, CCN, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Trong giai đoạn 2021-2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 7,5%/năm; quy mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Còn trong năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 92,1% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 5/11 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.471ha, tỷ lệ lấp đầy trên 72%; 11/27 CCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60%. Đây cũng chính là “cú hích” giúp tỉnh thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Lãnh đạo TP. Sông Công và nhà đầu tư Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án. Ảnh: T.L
Chỉ tính riêng năm 2024, các KCN của tỉnh thu hút mới 21 dự án đầu tư FDI, vượt 40% kế hoạch đề ra. Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…; ngành nghề đăng ký đầu tư chủ yếu là sản xuất pin năng lượng mặt trời, kính mắt, điện, điện tử, ống ngắm hồng ngoại, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN…
Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến công; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào của các CCN theo hướng đồng bộ, hiện đại...
Hoàng Cường