Ngay sau khi Nghị quyết 98 được thông qua, TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT TP.HCM chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại Hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (dự án BOT).
Sau đó, Sở GTVT TP đã tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án BOT. Theo Sở GTVT TP, với tiến độ như trên, dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án trong quý IV-2024 đối với 5 dự án BOT.
Một đoạn phối cảnh dự án cầu đường Bình Tiên. Ảnh: Sở GTVT TP cung cấp
Các dự án này gồm: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn cầu Bình Triệu đến Vành đai 3); nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); nâng cấp mở rộng Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); cầu đường Bình Tiên (đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo Sở GTVT TP.HCM, 5 dự án BOT đều là những dự án trọng điểm ở cửa ngõ TP.HCM, có vị trí kết nối vô cùng quan trọng. Các tuyến đường hiện hữu có mật độ phương tiện lớn, thường xuyên ùn ứ nên việc gấp rút mở rộng các dự án trên là vô cùng cấp thiết.
Sở GTVT TP dự kiến hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án này và trình Hội đồng thẩm định cấp cơ sở trong tháng 12-2024, phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I-2025, tới quý II-2025 sẽ lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư.
Quý III-2025, TP.HCM sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; quý IV-2025 sẽ lựa chọn nhà thầu và khởi công 5 dự án BOT vào năm 2026.
Dưới đây là hiện trạng giao thông và phối cảnh 5 dự án BOT:
Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch, có 4 làn xe, với bề rộng khoảng 18m. Theo quy hoạch, Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến giáp ranh tỉnh Long An có quy mô 8 làn xe.
Hiện trạng nhu cầu vận tải đoạn từ An Lạc đến Bình Thuận theo tính toán yêu cầu phải 8 làn, nhu cầu giao thông lớn. Đoạn từ vòng xoay An Lạc đến hết nút giao Tân Kiên khoảng 8 – 10 làn mới đảm bảo nhu cầu, hiện xe tập trung đông và chạy chậm đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Trần Đại Nghĩa. Riêng đoạn từ sau nút Tân Kiên đến nút Bình Thuận hiện có 4 làn nên quá tải, thường xảy ra kẹt xe đặc biệt vào giờ cao điểm, lễ tết. Đoạn từ Bình Thuận đến đường Đinh Đức Thiện với lưu lượng hiện tại theo tính toán cần 6 làn xe, tuy nhiên hiện đường mới có 4 làn xe.
Theo đơn vị tư vấn Công ty Tư vấn Thiết kế B.R cho biết: Kết quả dự báo nhu cầu giao thông vận tải cho thấy hiện tại tuyến đường Quốc lộ 1 đã quá tải, hiện trạng không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông, theo đó việc sớm đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của vùng là cần thiết.
Đoạn tuyến Quốc lộ 1 (có 3 nút giao liên thông hiện hữu) và tương lai khi các đường đang xây dựng (quy hoạch) hoàn thành như đường Vành đai 2, Vành đai 3, đường nối trục Đông – Tây (từ nút giao Tân Kiên) đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, tuyến metro số 3, dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận thì tuyến Quốc lộ 1 (từ Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) đóng vai trò là đường chính đô thị, đường xuyên tâm nối TP. HCM với Vành đai 3, Long An.
TP.HCM đưa ra hai phương án thiết kế: đi bằng (tổng mức đầu tư hơn 15.897 tỉ đồng) và đi trên cao (với tổng mức đầu tư 18.476 tỉ đồng). TP.HCM đề xuất chọn phương án đi bằng, mở rộng 60m.
Phương án thiết kế giao với vành đai 3.
Dự án Quốc lộ 13 thường xuyên ùn ứ, chưa đồng bộ với tỉnh Bình Dương. Hiện Quốc lộ 13 là trục giao thông hướng tâm quan trọng phía Bắc TP.HCM, kết nối các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp từ trung tâm TP với các tuyến vành đai 2, 3, 4, nhằm giảm tải cho khu vực nội đô.
Theo đó, việc sớm mở rộng Quốc lộ 13 sẽ hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với Vành đai 3 và sau này là Vành đai 4, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam TP với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành.
TP.HCM cũng đưa ra 2 phương án thiết kế cho Quốc lộ 13 như phương án đi thấp (còn metro đi ngầm nổi) và phương án cầu cạn (còn metro đi ngầm). TP.HCM kiến nghị chọn phương án cầu cạn.
Với kiến nghị trên, dự án mở rộng Quốc lộ 13 sẽ có tổng mức đầu tư 19.953 tỉ đồng, mặt cắt ngang 60 m, dài gần 6km.
TP.HCM cũng đưa ra nhiều kịch bản thu phí cho các phương tiện như đi trên cao (Đi nhanh - tính theo lượt), đi đường phố giao cắt hỗn hợp (tính theo chặng) và có những đoạn không thu phí.
Dự án Quốc lộ 22 có mật độ phương tiện rất lớn, kết nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia, nên tuyến đường này thường xuyên ùn ứ.
Dự án mở rộng Quốc lộ 22 cũng là dự án trọng điểm được ưu tiên đầu tư - dự án BOT theo Nghị quyết 98. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỉ đồng, dài 8,6 km, mặt cắt ngang 60 m.
TP.HCM đưa ra hai phương án xây dựng như tốc độ cao đi thấp và tốc độ cao đi trên cao với nhiều kịch bản thu phí khác nhau. Trong đó, phương án xây dựng cầu vượt có chi phí rẻ hơn phương án xây dựng hầm chui và cầu cạn. TP.HCM đề xuất phương án xây dựng cầu vượt.
Quốc lộ 12 có nhiều đoạn, nút giao như vành đai 3, nút giao An Sương, Nguyễn Văn Bứa, Nguyễn Ảnh Thủ.
Trục Bắc - Nam nằm song song với đường Nguyễn Hữu Thọ hiện hữu, hiện đã có mặt bằng. Dự án xây dựng trục Bắc - Nam sẽ góp phần giải tỏa giao thông, giảm ùn ứ ở khu vực phía Nam TP.HCM.
Trục Bắc - Nam sau khi hoàn thành sẽ kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm, nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TP.HCM. Từ đó, mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội.
TP.HCM cũng đưa ra các phương án thiết kế cho dự án BOT trục đường Bắc - Nam như đi thấp, cầu vượt tại các nút giao và cầu cạn 4 làn xe (đề xuất chọn phương án này).
Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỉ đồng, mặt cắt ngang 60m, dài 8,7 km.
Dự án cầu đường Bình Tiên cũng đề xuất làm theo dự án BOT.
Dự án cầu đường Bình Tiên có tổng mức đầu tư 6.800 tỉ đồng, mặt cắt ngang 30-40m, dài 3,6 km.
Điểm đầu dự án cầu đường Bình Tiên nằm tại nút giao đường Bình Tiên – Phạm Văn Chí và điểm cuối nút giao đường Nguyễn Văn Linh, cách Quốc lộ 50 khoảng 621m, cách cầu Bà Lớn 495m.
Dự án cầu đường Bình Tiên có gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng, đi qua quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh.
ĐÀO TRANG