Theo ý kiến Bộ Tài chính, hiện chưa có đủ cơ sở để Bộ Tài chính có ý kiến về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản nhận chuyển giao từ nhà đầu tư dự án.
Quốc lộ 51 là tuyến giao thông kết nối huyết mạch của Vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: tư liệu
3 lần kiến nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân đều bị bác
Trong Công văn số 12508/BTC-QLCS ngày 18-11-2024, Bộ Tài chính cho biết, theo công văn của Bộ Giao thông vận tải và hồ sơ kèm theo thì hiện nay, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT còn một số nội dung vướng mắc và đang tiếp tục làm việc, đàm phán với nhà đầu tư để giải quyết như: phí bảo toàn vốn chủ sở hữu; thời gian thu phí tạo lợi nhuận của dự án; công tác đàm phán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Như vậy, vẫn còn các nội dung vướng mắc về việc đàm phán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của dự án.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc này. Do đó, chưa có đủ cơ sở để Bộ Tài chính có ý kiến về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản nhận chuyển giao từ nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm các nội dung còn vướng mắc của dự án để thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo hình thức BOT Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo đúng quy định tại pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trên cơ sở đó, có ý kiến chính thức gửi Bộ Tài chính để xem xét, có ý kiến theo quy định.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Bộ Tài chính được đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Dự án BOT mở rộng quốc lộ 51 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, đến nay việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án Mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT vẫn chưa thể được thực hiện.
Cục Đường bộ Việt Nam đã đàm phán 19 lần với nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 51 về chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn còn các tồn tại cần xử lý.
Thấy xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì.. sai luật
Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 là 20,66 năm. Trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3-8-2012 đến 27-3-2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28-3-2029 đến 28-3-2033).
Đến cuối tháng 2-2017, thời gian thu phí hoàn vốn dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1-7-2009 đến hết ngày 12-1-2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Từ ngày 13-1-2023, Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 đã tạm dừng thu phí.
Ngày 19-4-2023, nhà đầu tư dự án là BVEC đã bàn giao 72,7 km bao gồm chiều dài đường và chiều dài cầu trên 25m thuộc đoạn tuyến từ Km0+900- Km73+600 quốc lộ 51 cho Cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa bàn giao nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí, cũng như các tài sản khác phục vụ cho dự án.
Do chưa thể xác lập quyền sở hữu toàn dân nên việc duy tu, sửa chữa quốc lộ 51 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: tư liệu
Để đảm bảo việc quản lý, bảo trì khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được liên tục, đảm bảo an toàn giao thông, nhằm bảo vệ, kéo dài thời gian khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận các hạng mục tài sản BVEC bàn giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo quản tài sản.
Tuy nhiên, việc chưa thể xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với phần tài sản của dự án đã bàn giao khiến việc đầu tư bảo trì, khai thác tuyến quốc lộ này gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 51 đã vượt 8 lần công suất thiết kế. Do đó, tuyến đường đã bị xuống cấp trầm trọng. Mặc dù vậy, việc thực hiện duy tuy, bảo dưỡng lại rất khó thực hiện.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình cho hay, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 là dự án BOT. Trước đây, nhà đầu tư dự án thực hiện công tác duy tu, bảo trì. Khi dự án tạm dừng thu phí và bàn giao tài sản lại cho Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận các hạng mục thì nhà đầu tư không còn thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng. Trong khi đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng không thể thực hiện công tác này vì chưa được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Về phía tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải cũng nhận thấy tuyến đường này đã xuống cấp nhưng cũng không thể thực hiện việc đầu tư sửa chữa đoạn qua địa bàn tỉnh vì sai luật.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 9, Luật Ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối ngân sách từng cấp; việc quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách phải bảo đảm trong phạm vi ngân sách theo phân cấp.
Trong khi đó, quốc lộ 51 là do Bộ Giao thông vận tải quản lý, việc đầu tư duy tu, bảo dưỡng phải sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.
“Tỉnh bỏ tiền đầu tư sửa chữa dự án này là sai luật. Trước đây, trước thực trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường, Sở Giao thông vận tải cũng đã đề nghị tỉnh bỏ kinh phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan kiểm toán yêu cầu tỉnh phải đi “đòi” lại chi phí này từ Bộ Giao thông vận tải để hoàn trả ngân sách tỉnh” - ông Lê Quang Bình cho hay.
Phạm Tùng