Hiệu quả từ liên kết trồng ớt chỉ thiên và bắp giống

Hiệu quả từ liên kết trồng ớt chỉ thiên và bắp giống
6 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo xã Thuận Hòa tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình ông Thạch Phi Rùm.
Những năm qua, mô hình liên kết trồng bắp giống giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân trên địa bàn Cầu Ngang và Trà Cú hiệu quả cao, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo. Vụ bắp giống năm 2025, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam liên kết trồng 100ha tập trung ở xã Ngọc Biên, Long Hiệp (huyện Trà Cú) và Long Sơn, Nhị Trường (huyện Cầu Ngang), tăng 20ha so với năm trước. Đây là mô hình được liên kết chặt chẽ giữa nhà nước với nông dân và DN, lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 lần trở lên so với độc canh cây lúa.
Trao đổi với chúng tôi, nông dân Nguyễn Thành Trung - một trong những hộ có kinh nghiệm liên kết với Công ty trồng bắp giống nhiều năm ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: từ khi tham gia mô hình trồng bắp giống và được liên kết với Công ty nông dân trồng bắp được hỗ trợ giống cây trồng, được bao tiêu sản phẩm nên an tâm sản xuất.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, các hộ tham gia trồng bắp được hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng thuốc, phân bón đầu vào thấp hơn thị trường và thu hồi sau thu hoạch; đồng thời, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. Với 0,5ha bắp giống trồng vụ này năng suất đạt cao, sản lượng đạt 05 - 06 tấn, giá bán 17.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt 30 triệu đồng. Tuy năng suất và sản lượng cao, nhưng lợi nhuận thấp hơn các hộ khác. Do điều kiện gia đình ít người, chi phí nhân công lao động trong thời điểm đông ken tăng cao, nhất là chi phí thu hoạch bắp và khuân vác đối với lao động nữ 35.000 đồng/giờ và 45.000 đồng/giờ đối với lao động nam. Ngoài ra, còn chi phí thuê lao động lột vỏ bắp 1.000 đồng/kg.
Cùng với cây bắp giống, ớt chỉ thiên là một trong những cây trồng có mối liên kết đầu ra ổn định, giá bán hiện nay rất cao. Trà Vinh có diện tích trồng ớt khoảng 1.600ha, trong đó trên 90% diện tích ớt chỉ thiên, 10% diện tích ớt sừng. Ớt được trồng trên diện tích đất dưới chân ruộng, các giồng đất pha cát mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều huyện như Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải. Ớt được trồng luân canh với rau màu hoặc trồng 01 vụ lúa - 01 vụ ớt. Trong đó, thời vụ trồng ớt phổ biến diễn ra từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau; nhiều hộ có thể kéo dài thời gian trồng và thu hoạch tới tháng 5 năm sau. Sau vụ ớt là vụ trồng đậu phộng, dưa hấu, rau màu. Sản xuất ớt được duy trì ổn định dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng đất, khí hậu, thời tiết của từng vùng và kết hợp sự lựa chọn ớt chỉ thiên có năng suất cao, thích ứng với điều kiện khí hậu.
Bà Lý Thị Ảnh, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: với 0,4ha đất giống cát, hàng năm trồng từ 03 - 04 vụ dưa hấu. Đầu năm 2025, do biến đổi thời tiết nên chuyển sang trồng 01 vụ ớt hiện đang cho thu hoạch cổ 2. Do là năm đầu tiên trồng ớt nên năng suất không bằng những hộ khác, nhưng được giá bán cao, thời điểm thu hoạch ớt cổ 1 giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg, đến nay thu hồi vốn và có lợi nhuận.
So với các loại cây màu khác, trồng ớt đòi hỏi phải đầu tư, chăm sóc cao hơn. Đặc biệt, công thu hoạch tốn nhiều thời gian và cần thuê lao động. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc gặp khó khăn dẫn tới bệnh trên cây ớt nhiều trong giai đoạn mùa mưa.
Nông dân Thạch Phi Rùm, ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: năng suất ớt đạt trung bình 15 tấn/ha, tùy theo hộ đầu tư và chăm sóc, có hộ đầu tư chăm sóc tốt năng suất đạt 25 tấn/ha. Giá bán ớt biến động mạnh giữa các năm và trong cùng năm vào thời điểm mùa khô (chính vụ) và thời điểm mùa mưa (cuối vụ). Giá ớt dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg vào giai đoạn mùa khô và có những năm giá bán ớt tới 140.000 đồng/kg vào giai đoạn cuối vụ. Riêng vụ ớt năm nay đầu vụ giá 60.000 đồng/kg, nhưng nông dân không có ớt nhiều để bán do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều trong giai đoạn đầu vụ ớt bị ngập, dẫn đến chết cây và hao hụt. Đến thời điểm thu hoạch ớt bị nhiễm sâu bệnh do nắng nóng gay gắt. Giá ớt hiện nay còn 32.000 đồng/kg.
Ông Thạch Phi Rùm cho biết thêm: trước đây từ đất trồng lúa chuyển sang trồng màu như đậu phộng, khổ qua, dưa leo nhưng giá bán bấp bênh. Sau đó, ông tìm tòi học tập mô hình hiệu quả ở tỉnh Sóc Trăng và Tiền Giang và kết nối với DN trồng thử nghiệm 0,2ha ớt chỉ thiên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó ông mở rộng trồng lên 0,5ha và duy trì cho đến nay. Nhận thấy hiệu quả từ cây ớt chỉ thiên, từ năm 2011, ông vận động người dân trong ấp và chia sẻ kỹ thuật trồng ớt chỉ thiên và liên kết với Công ty TNHH MTV Hăn Vĩ, Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đầu ra cho nông dân an tâm sản xuất. Cùng với đó, ông còn cung ứng cây ớt giống cho nông dân.
Sau gần 15 năm gắn bó với cây ớt chỉ thiên, kinh tế gia đình ông cũng như người dân trong ấp ngày càng phát triển. Với 0,5ha ớt của gia đình hiện đang thu hoạch và được Công ty thu mua với giá 32.000 đồng/kg, do tình hình thời tiết không ổn định, nên vụ ớt này năng suất giảm, lợi nhuận không bằng những vụ trước.
Sản phẩm ớt chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng ớt tươi; trong đó, ớt tươi Trà Vinh được các doanh nghiệp xuất khẩu chính tại thị trường Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và một phần tới thị trường châu Âu.
Ông Lê Văn Chiêu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hăn Vĩ, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: sản phẩm ớt của Công ty xuất khẩu chính tại thị trường Hàn Quốc, một số ít xuất khẩu sang Trung Quốc; riêng sản phẩm ớt cho trái chiến xuất khẩu sang thị trường Singapore. Từ tháng 11 dương lịch đến nay Công ty thu mua sản phẩm ớt trên địa bàn huyện Cầu Ngang khoảng 20 tấn/ngày. Giá ớt năm nay tăng cao, do khan hiếm hàng hóa, nguyên nhân vùng sản xuất ớt chỉ thiên hàng năm ở các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai,… gặp thời tiết không thuận lợi nên năng suất thấp. Hiện nay, ớt đang giai đoạn cuối vụ nên Công ty thu mua khoảng 05 - 06 tấn/ngày. Tuy giá ớt gần cuối vụ giảm nhưng vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ, nên nông dân trồng ớt năm nay rất phấn khởi.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-lien-ket-trong-ot-chi-thien-va-bap-giong-45671.html