Những năm qua, một số loại trái cây như thanh long, sầu riêng hay dừa cũng đã chạm và vượt ngưỡng tỷ đô/năm. Thế nhưng, những loại trái cây này lại rơi vào “bẫy” sản xuất đại trà, khiến chúng mất giá trị. Điển hình là cây sầu riêng.
Vài tuần trở lại đây, khi sầu riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào vụ thu hoạch cũng là lúc giá sầu riêng lao dốc. Bên cạnh việc giá xuống thấp, xuất khẩu cũng gặp khó. Dù chưa phải “giải cứu” như một số loại trái cây những năm trước nhưng hiện nay giá sầu riêng Ri6, một loại sầu riêng chất lượng cao, đã xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 20-30.000 đồng/kg tại vườn. Trong khi cách đây chừng 1 năm, giá sầu riêng Ri6 có lúc đã lên tới 120.000 đồng/kg. Theo quy luật thị trường, khi giá cao thì xuất khẩu cũng dễ dàng hơn bởi nhu cầu lớn. Thống kê cho thấy năm 2024, sầu riêng xuất khẩu thu về hơn 3 tỷ USD, tương đương tất cả các loại trái cây khác cộng lại. Thế nhưng, hiện nay, cục diện hoàn toàn khác khi những tháng đầu năm 2025, giá sầu riêng rớt thê thảm.
Không riêng gì với sầu riêng, cả 3 loại trái cây từng ghi nhận có mức xuất khẩu vượt mốc tỷ đô (sầu riêng, thanh long và dừa) đều rơi vào tình trạng giá bất ngờ lao dốc sau khi đã tăng mạnh trước đó. Hệ lụy của tình trạng rớt giá này là hàng nghìn nông dân gặp khó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng điêu đứng theo. Làm gì để bà con nông dân có thể ổn định sản xuất và tiêu thụ tốt đối với những loại trái cây này là bài toán không dễ trả lời nhưng cũng có nhiều cách giải quyết. Trong đó, đầu tiên là phải kiểm soát đúng chất lượng và giá trị của sản phẩm. Thực tế sau khi trái cây tăng giá thì nông dân tìm mọi cách sản xuất nhiều hơn. Nhưng khi rút ngắn thời gian sản xuất cũng đồng nghĩa với chất lượng giảm đi, dư lượng hóa chất tăng lên (để kích thích trái phát triển nhanh) khiến cho khách hàng quay lưng. Nguy cơ dư thừa hóa chất trong trái cây của nông dân (điển hình là sầu riêng) đã là tiếng chuông báo động. Vì thế, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này là yêu cầu đầu tiên để sản xuất bền vững hơn.
Cùng với đó, việc đa dạng thị trường cho từng loại trái cây cũng là yêu cầu quan trọng. Nếu như sầu riêng và thanh long phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc thì dừa và các sản phẩm từ dừa lại có thị trường xuất khẩu đa dạng hơn. Vì thế, ngoài thời gian dịch Covid-19 mấy năm trước, sản lượng xuất khẩu dừa tương đối ổn định và có chiều hướng đi lên qua từng năm. Ngoài thị trường, việc bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng có ý nghĩa lớn đối với chuỗi giá trị. Hầu hết trái cây hiện nay đều được thu hoạch và xuất khẩu ngay. Việc này khiến cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu luôn ở thế yếu trước đối tác nước ngoài, nhất là thời điểm chính vụ nguồn cung tăng cao. Do đó, việc bảo quản, chế biến sâu sẽ giúp các loại trái cây có vị thế tốt hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng đa dạng của khách hàng.
ĐOÀN XÁ