Hồ Chí Minh - Đóa sen bất tử trong thơ ca và trái tim dân tộc

Hồ Chí Minh - Đóa sen bất tử trong thơ ca và trái tim dân tộc
9 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh sen như một ẩn dụ đầy ý nghĩa cho tâm hồn và cốt cách người Việt: kiên cường giữa gian khó, bất khuất trong chiến tranh, mà vẫn giữ trọn sự thanh cao, trong sáng. Và trong biểu tượng cao đẹp ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc - hiện lên như một đóa sen sống động và bất tử. Người được sinh ra từ làng Sen, mang theo cốt cách của loài hoa ấy: thanh khiết trong tâm hồn, kiên định trong lý tưởng, cao đẹp trong hành động. Chính cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành biểu tượng trọn vẹn của hoa sen - loài hoa vươn lên từ bùn đất để mang lại hương sắc cho đời. Và trong hình tượng thiêng liêng ấy, nhân dân Việt Nam nhận ra hình bóng của Bác - một “đóa sen bất tử” luôn tỏa sáng trong thơ ca, trong ký ức lịch sử và trong trái tim của triệu triệu người con đất Việt.
Từ bao đời nay, trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam, hình ảnh hoa Sen luôn được tôn vinh như một biểu tượng của vẻ đẹp thuần khiết, bất khuất. Hai câu ca dao quen thuộc:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng...
không chỉ tả cảnh mà còn chất chứa triết lý sống sâu sắc, đã đi vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người suốt đời trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc - từng nhiều lần nhắc lại những câu thơ ấy trong các bài viết, buổi nói chuyện, nhất là khi căn dặn thanh thiếu niên. Với Người, hoa sen không chỉ là một hình ảnh đẹp, mà còn là biểu tượng sống động của đạo đức và nhân cách: sống giữa đời thường nhiều cám dỗ, vẫn giữ được sự thanh cao, trong sáng. Bởi vậy, lời dặn của Bác: “Phải sống như hoa sen - gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” không chỉ là một lời khuyên, mà còn là kết tinh của trải nghiệm, đạo lý và lý tưởng sống mà Người suốt đời theo đuổi - sống đẹp, sống có ích, sống không bị vấy bẩn bởi những điều tầm thường. Hơn một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bút danh C.B., viết nên bài “Hoa Sen” đăng báo Nhân Dân, số 757. Người phân tích một số chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong cải cách ruộng đất. Để rồi Người đi đến kết luận: Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình có ảnh hưởng như thế nào, điều quyết định là do bản thân mỗi người. “Một thí dụ: Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thì HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho.
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, hoa đỏ lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng.”. (đăng lại trên: https://hochiminh.nhandan.vn/hoa-sen-498.html)
Không chỉ là biểu tượng trong đời sống tinh thần của dân tộc, hình ảnh hoa sen – Hồ Chí Minh còn được tôn vinh trong thơ ca như một di sản thiêng liêng, đọng lại qua bao thế hệ. Trong kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những câu thơ giản dị mà lay động lòng người, như hai câu lục bát của nhà thơ Bảo Định Giang:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Lời thơ ngắn gọn mà hàm chứa bao tầng ý nghĩa: vừa ngợi ca vẻ đẹp thuần khiết của hoa sen - loài hoa biểu tượng cho nhân cách và cốt cách dân tộc, vừa tôn vinh Bác Hồ - hiện thân cao quý nhất của vẻ đẹp Việt Nam. Đây không chỉ là lời tán dương chân thành của người nghệ sĩ, mà còn là sự kết tinh của tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà nhân dân cả nước dành cho vị Cha già kính yêu. Hình tượng Bác Hồ và hoa sen từ lâu đã trở thành một mối tương liên không thể tách rời: từ cuộc sống đời thường thanh đạm, giản dị của Người đến tâm hồn thanh cao, trong sáng; từ đạo đức cách mạng cho đến tấm lòng bao dung, nhân hậu - tất cả đều toát lên vẻ đẹp thuần khiết, bất nhiễm giữa dòng đời, như chính loài hoa sen vươn mình giữa bùn lầy mà vẫn rạng ngời tỏa hương.
Từ tình yêu, sự kính trọng đến lòng biết ơn sâu sắc, nhiều thi nhân Việt Nam đã mượn hình ảnh hoa sen để thể hiện những xúc cảm chân thành nhất dành cho Bác - vị lãnh tụ của lòng dân, người đã gieo mầm đạo đức, nâng bước hy vọng giữa những năm tháng đất nước ngập tràn gian khó. Nhà thơ Trần Hữu Thung - một người con xứ Nghệ, tác giả bài thơ nổi tiếng Thăm lúa - cũng đã viết nên bài Sen quê Bác với giọng thơ dung dị mà chan chứa yêu thương:
Nắng tỏa đường Sen, cây tỏa xanh
Chim bay chuyền cánh, hót chuyền cành
Gặp mùa Sen nở ao quê Bác
Ôi sáng tháng Năm, sáng mát lành…
Cảm xúc ấy được tiếp nối trong những câu thơ:
Sen giữa lòng ao, sát mặt đường
Có sen, ao bỗng hóa thành gương
Ríu ran đàn cháu quanh soi bóng
Hương trẻ, hương Sen, quyện mến thương.
Sen không chỉ làm nên mùa, làm nên cảnh, mà còn làm nên hồn quê, làm nên cốt cách của con người - và của Bác. Nhìn hoa sen, người ta như thấy lại bước chân Người năm xưa, bình dị mà cao cả, sống giữa cuộc đời mà vẫn thanh khiết như sắc trắng sen đầu mùa. Nhà thơ Xuân Hoài cũng từng xúc động thốt lên trong bài thơ Quê chung khi về quê Bác:
Bỗng nghe tiếng nói trăm miền
Khi con bước đến làng Sen, làng Chùa...
Bước chân bè bạn năm châu
Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này.
Sen đã làm nên tên làng, tên đất. Sen đã trở thành hồn Việt, mang vẻ đẹp bình dị, thanh cao - như chính cuộc đời và nhân cách Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, mỗi mùa sen nở, mỗi làn hương sen thoảng qua, là mỗi lần ta lại thổn thức nhớ Bác. Trong không gian ngát hương quê nội, bên khu vườn xưa từng in bóng Người, vẫn còn vẳng đâu đây lời ru, tiếng mẹ, dáng chuối, nếp lá, nắng sen... như một phần máu thịt không thể tách rời khỏi ký ức dân tộc. Tác giả Thành Sen cũng đã có những vần thơ dung dị mà xúc động trong bài thơ Bên hồ Sen nhớ Bác. Từ ký ức về không gian làng quê thanh bình, nhà thơ dẫn dắt người đọc trở về với hình ảnh Bác Hồ trong khung cảnh gần gũi, thân thương của quê hương Kim Liên - nơi đã sinh thành nên một con người vĩ đại, nhưng suốt đời gắn bó với những điều bình dị:
Khu vườn này xưa ấm tình mái lá
Hương sen đưa thanh thản sớm mai hè
Những khóm chuối quây quần vươn nõn lá
Mát lối đường, đón đợi Bác vào quê…
Khổ thơ mở ra một không gian đậm chất quê, nơi có khu vườn nhỏ với mái lá đơn sơ, có làn hương sen nhẹ nhàng buổi sớm, có hàng chuối thân thuộc như vòng tay đón Bác trở về quê hương sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Hình ảnh “khóm chuối quây quần” gợi lên sự sum vầy, đầm ấm - vừa là nét đặc trưng của miền quê xứ Nghệ, vừa biểu hiện tấm lòng người dân luôn chờ đợi, hướng về Bác bằng tình yêu chân thành, son sắt.
“Năm mươi năm đi tìm đường cứu nước
Vọng lời ru, chạnh nhớ tiếng mẹ hiền…”
Hai câu thơ là điểm nhấn giàu xúc cảm. Sau “năm mươi năm” bôn ba vì dân, vì nước, hình ảnh Bác trở về quê không chỉ là hành trình địa lý, mà còn là hành trình trở về nguồn cội, trở về với những ký ức thiêng liêng nhất. Lời ru và tiếng mẹ - những âm thanh ngỡ đã khuất sâu trong thời gian - nay lại vang vọng trong tâm tưởng, khiến lòng Người chùng lại trong giây phút lặng yên bên hồ Sen quê mẹ. Đó không chỉ là nỗi nhớ của một con người, mà là bản hòa âm của tình yêu nước, tình mẫu tử và lòng hiếu nghĩa kết tinh trong trái tim một bậc vĩ nhân.
Qua những vần thơ, hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật gần gũi, đời thường mà sâu lắng - như chính đóa sen quê nhà, mộc mạc mà thanh cao, bình dị mà bất tử trong lòng nhân dân. Ngày nay, nhắc đến hoa sen, người Việt nhớ đến Bác. Và nhắc đến Bác, hình ảnh đóa sen lại hiện về - thanh khiết, bền bỉ, rạng ngời trong trái tim dân tộc. Đó không chỉ là sự kết nối ngẫu nhiên giữa thiên nhiên và con người, mà là sự hòa quyện đầy ý nghĩa giữa lý tưởng cách mạng và cốt cách văn hóa, giữa nhân cách Hồ Chí Minh và tinh thần Việt Nam.
Hồ Chí Minh - đóa sen bất tử, không chỉ sống mãi trong ký ức dân tộc, mà còn vươn mình kiêu hãnh trong những vần thơ, câu hát, trang sách và trong từng hành động của bao thế hệ hôm nay và mai sau.
LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/ho-chi-minh-doa-sen-bat-tu-trong-tho-ca-va-trai-tim-dan-toc-5bd5c67/