Hoa hậu H’Hen Niê tại buổi khai trương thư viện Trường Tiểu học Ea Tir, tỉnh Đắk Lắk.
Sinh ra trong một gia đình nghèo người Ê Đê ở Đắk Lắk, tuổi thơ của H’Hen gắn liền với những buôn làng xa xôi và những ngày đến trường trong điều kiện thiếu thốn. Việc tiếp cận với sách vở, tri thức từng là điều xa xỉ. Nhưng cũng chính giấc mơ học hành đã trở thành ngọn đèn dẫn lối cho hành trình vươn lên của cô gái dân tộc thiểu số năm nào.
Sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và ghi dấu ấn trong Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, H’Hen đã chọn cho mình một con đường khác biệt - dùng sức ảnh hưởng và tiền thưởng để cống hiến cho cộng đồng. Trong đó, hành trình xây dựng thư viện thân thiện là một trong những lựa chọn bền bỉ và sâu sắc nhất mà cô theo đuổi.
Khởi đầu từ năm 2018, H’Hen Niê đã đồng hành cùng Tổ chức Room To Read xây dựng 11 thư viện tại các tỉnh như Lâm Đồng, Hà Giang, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai, An Giang và Ninh Thuận cũ. Những thư viện này không chỉ đảm bảo về cơ sở vật chất mà còn được bố trí sáng tạo, gần gũi, với hệ thống sách chọn lọc phù hợp với văn hóa vùng miền và lứa tuổi học sinh.
Hoa hậu H’ Hen Niê hạnh phúc cùng các bạn nhỏ trong ngày khánh thành thư viện Trường Tiểu học Ea Tir, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh nhân vật cung cấp
Chỉ riêng từ tháng 9/2024 đến tháng 6/2025, hành trình ấy được nối dài với 4 thư viện mới - một bước tiến mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu. Cụ thể, tháng 9/2024, H’Hen trở lại miền cát nắng Ninh Thuận để khai trương thư viện thứ 8 và 9 tại Trường Tiểu học Mỹ Nhơn và Trường Tiểu học – THCS Võ Thị Sáu, tỉnh Ninh Thuận (nay là tỉnh Khánh Hòa). Chưa đầy một tháng sau, cô tiếp tục rong ruổi đến vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, đưa hai thư viện tiếp theo (số 10 và 11) đến Trường Tiểu học A Ô Lâm và Trường Tiểu học D An Cư, biến những lớp học nhỏ nơi biên giới thành không gian mở cửa tri thức.
Bước sang năm 2025, nhịp chân thiện nguyện vẫn không hề chậm lại. Tháng 3, thư viện thứ 12 bừng sáng trong sân Trường Tiểu học Bàu Phụng, tỉnh Đồng Nai, đánh dấu lần đầu tiên dự án lan tỏa đến vùng Đông Nam Bộ. Tháng 5, chỉ trong vài tuần, thư viện thứ 13 hiện diện ở Trường Tiểu học Ea Tir, tỉnh Đắk Lắk, và tiếp nối là hai thư viện cuối cùng - số 14 và 15 đồng loạt mở cửa tại Trường Tiểu học Vân Tùng và Trường Tiểu học Trần Phú, tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Hoa hậu H’Hen Niê và các em học sinh Trường Tiểu học Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cũ (nay thuộc xã Ngân Sơn, tỉnh Thái Nguyên).
Ở nơi nào H’Hen đặt chân tới, cô đều kiên trì ngồi xuống đọc sách cùng học trò, lắng nghe giấc mơ của thầy cô, để chắc rằng mỗi kệ sách thực sự trở thành hạt giống hy vọng. H’Hen Niê chia sẻ: “Tôi tin rằng, mỗi trang sách là một cánh cửa mở ra tương lai. Tôi từng bước ra từ một ngôi làng nhỏ, nhờ giáo dục. Và hôm nay, tôi trở về để mở thêm nhiều cánh cửa khác cho các em nhỏ”.
Với cô, việc xây dựng thư viện không chỉ đơn thuần là mang sách đến trường. Đó là một cách gieo mầm hy vọng. Cô hiểu rằng trong những ngôi trường còn nhiều khó khăn, một không gian đọc sách tử tế có thể thắp lên tinh thần học tập và khơi dậy ước mơ cho rất nhiều thế hệ học sinh.
Mỗi thư viện thân thiện được mở ra là một dấu mốc không chỉ trên bản đồ giáo dục, mà còn trong trái tim của những người từng thấy con chữ là điều xa vời.
Trong suốt hành trình sau đăng quang, H’Hen Niê đã cho thấy một hình ảnh người phụ nữ hiện đại: bản lĩnh, nhân ái và không quên cội nguồn. Cô từ chối những hào quang dễ dãi để chọn con đường lặng thầm phụng sự. Thay vì chạy theo sự nổi tiếng, cô chọn lan tỏa những giá trị tử tế bằng hành động thiết thực, bằng sự trở về đầy yêu thương.
Hoa hậu H’Hen Niê chọn lan tỏa giá trị tử tế bằng những hành động thiết thực, bằng sự trở về đầy yêu thương.
Hiện đang trong thời kỳ mang thai, chuẩn bị làm mẹ, H’Hen Niê vẫn giữ nhịp sống tích cực và lan tỏa yêu thương.
Hành trình ấy không ồn ào, nhưng đủ sâu sắc để góp phần mang tri thức đến gần hơn với trẻ em vùng cao, đặc biệt là những em nhỏ dân tộc thiểu số.
Lý Văn Lợi