Địa điểm này luôn ghi dấu ấn nhất định trong các cuộc khởi nghĩa từ cuối thế kỷ XIX cho đến các trận tiến công trong hai cuộc kháng chiến. Cũng nơi đây, khi xưa, Pháp cũng thường xuyên đem các chí sĩ yêu nước ra hành quyết, trong số đó có Hòa thượng Thích Bửu Đă ng, vị Tăng sĩ yêu nước, xả thân để giữ gìn Tổ quốc
Hòa thượng Thích Bửu Đăng, thế danh là Trần Ngọc Lang, sinh năm Giáp Thìn (1904), tại xã Bình Mỹ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, (nay là H.Củ Chi, TP.HCM). Hòa thượng xuất thân trong gia đình nông dân có truyền thống kính tín Phật giáo. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Thểnh, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hoài.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đầy biến động của đất nước, Pháp đô hộ Việt Nam, cuộc sống nơi quê hương không được yên ổn, nên từ nhỏ, song thân đã gửi ngài vào chùa Vạn Đức (Gò Vấp) để nương nhờ cửa Phật, được Tổ sư Như Nghĩa Chánh Hòa nhận làm đệ tử và ban pháp danh Hồng Lang.
Nhờ túc duyên Phật pháp sâu dày, chuông sớm mõ chiều nơi cửa thiền thấm nhuần, lớn lên dưới sự dạy dỗ của Bổn sư, Hòa thượng Thích Bửu Đăng sớm đã làu thông kinh kệ lẫn triết lý Nho gia. Đến năm Giáp Tý (1924), khi tròn 20 tuổi, được Bổn sư cho phép, ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Giác Viên (Chợ Lớn). Sau khi châu viên giới thể, ngài được Bổn sư ban pháp hiệu là Bửu Đăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.
Sau khi thọ đại giới, ngài ở lại chùa Giác Viên tu học thêm một thời gian. Khi trở về chùa Vạn Đức, ngài được Hòa thượng Chánh Hòa cử làm thủ tọa, giúp cho Bổn sư quản lý mọi công việc chùa.
Năm Tân Mùi (1931), quan Tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm muốn cất một ngôi chùa tại làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định, nên đã cung thỉnh ngài đứng ra xây dựng và trụ trì ngôi chùa này. Sau khi hoàn tất công việc kiến tạo ngôi già-lam, ngài đặt hiệu chùa là Hải Hội. Hòa thượng hành đạo tại chùa Hải Hội trong 9 năm, được chư sơn trong vùng phong làm Giáo thọ.
Năm Tân Tỵ (1941), được sự khuyến trợ của quan Tri phủ Lương Sơ Khai, ngài làm đơn xin dời ngôi chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa lên làng An Hội, tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp trên một mảnh đất khác có địa thế rộng rãi hơn của quan Tri phủ. Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội vừa rộng lớn và khang trang hơn ngôi chùa cũ, vừa có vườn tược đủ để tự túc kinh tế cho việc sinh hoạt của chùa.
Chính tại chùa Linh Sơn Hải Hội, ngài bắt đầu tham gia phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ yêu nước. Thời gian sau, ngài đứng vào hàng ngũ Việt Minh. Vận dụng phương tiện quyền xảo để tránh tai mắt của chính quyền thực dân, nhằm xây dựng lại cơ sở tại địa phương sau khi bị địch khủng bố trắng sau thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ, ngài đã tập họp thanh niên trong vùng dưới hình thức đội lân chùa Linh Sơn Hải Hội. Hàng ngày, thành viên đội lân quy tụ tại chùa tham gia tập luyện võ nghệ để tăng cường thể trạng cũng như hun đúc tinh thần chống giặc. Vì vậy, ngài được mọi người quen gọi là “Thủ tọa Lân”.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Hòa thượng Thích Bửu Đăng đã được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Độc lập hạng nhì. Pháp hiệu của ngài đã được đặt tên cho một con đường ở phường 1, Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Năm Ất Dậu (1945), sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới được thành lập chưa được bao lâu thì ngày 23-9-1945, thực dân Pháp theo chân Anh trở lại Việt Nam dưới vỏ bọc quân Đồng minh giải giáp phát-xít Nhật ở Nam Kỳ. Pháp quay trở lại chiếm đóng và lập ra Chính phủ bảo hộ.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời ngày 19-8-1946, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng; Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định cũng được thành lập, do Hòa thượng Thích Bửu Đăng làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Pháp Dõng làm Hội phó, Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Thư ký, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Ủy viên Kinh tài, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang, Vườn Lài (nay thuộc An Phú Đông, Q.12).
Năm Đinh Hợi (1947), khi hay tin Pháp chuẩn bị càn quét vào chiến khu An Phú Đông, tổ chức kháng chiến của ta có lệnh di tản để tránh bị giặc bắt. Riêng Hòa thượng Thích Bửu Đăng vẫn ở lại bám trụ giữ vững cơ sở để làm đầu mối liên lạc và tiếp ứng cho chiến khu.
Ngày 29-8-Mậu Tý (1948), trên đường từ chùa Vạn Đức trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, Hòa thượng Thích Bửu Đăng bị Pháp phục kích bắt giữ. Ngày 2-9-Mậu Tý, sau 3 ngày bị tra khảo, ngài vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin tức gì. Giặc Pháp đem ngài ra địa điểm cầu Tham Lương xử tử. Sau đó chúng bắn phá xóm làng và đốt cháy chùa Giác Ân (Tân Bình) ở gần đó. Ngài thọ thế 44 tuổi, hạ lạp 23 năm.
Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định đã làm lễ truy điệu ngài trọng thể và dựng tháp tưởng niệm trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội không lâu sau đó. Năm 2015, để tri ân những đóng góp của Hòa thượng Thích Bửu Đăng, Thượng tọa Thích Tắc Bạch, trụ trì đương nhiệm của chùa đã xây dựng bảo tháp 9 tầng để tưởng niệm công đức của ngài với Đạo pháp và Dân tộc.
Trung Tín/Báo Giác Ngộ