Chính sách thuế mới của ông Trump đang đảo chiều tình thế của nhiều nhà sản xuất nhôm, thép toàn cầu. Ảnh: Reuters.
Ngày 10/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, áp dụng cho tất cả quốc gia mà không có bất kỳ ngoại lệ. Nhà Trắng thông báo biện pháp này sẽ có hiệu lực từ 4/3.
Chính sách thuế mới của ông Trump đã đảo chiều tình thế của nhiều nhà sản xuất nhôm, thép toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà sản xuất nội địa Mỹ đồng thời đặt ra nhiều nguy cơ cho các tập đoàn xuất khẩu thép trên thế giới ở cả châu Âu và châu Á.
Nhà sản xuất Mỹ hưởng lợi
Theo giới chuyên gia, các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ là những bên hưởng lợi lớn nhất từ chính sách thuế mới. Với việc áp mức thuế cao lên thép nhập khẩu, các doanh nghiệp nội địa Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ nước ngoài như Canada, Brazil và Mexico, nơi giá sản phẩm sẽ tăng mạnh do thuế quan.
Trong khi nhiều công ty thép trên thế giới ghi nhận giá cổ phiếu lao dốc, các nhà sản xuất thép của Mỹ lại thắng lớn trên thị trường chứng khoán ngày 10/2.
Theo The Washington Post, cổ phiếu Nucor - "gã khổng lồ" thép của Mỹ - kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 5,5%, Cleveland-Cliffs nhảy vọt 18%, Steel Dynamics tăng 4,9%, còn U.S. Steel cũng tăng gần 5%. Ở thị trường nhôm, cổ phiếu Alcoa - một trong những nhà sản xuất lớn nhất - tăng khoảng 2%.
Philip Bell, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Thép, nhận định chính sách thuế quan này sẽ “tạo sân chơi bình đẳng” cho các doanh nghiệp trong nước. Ông bác bỏ lo ngại rằng thuế quan sẽ làm tăng chi phí mà không mang lại lợi ích đáng kể về việc làm trong ngành sản xuất.
Mức thuế 25% đối với lượng thép được sử dụng trong một chiếc xe hơi trị giá 40.000 USD chỉ khiến giá xe tăng thêm 1-2%. Ông cũng nhấn mạnh mỗi công việc trong ngành thép còn tạo ra nhiều công việc liên quan khác, từ nhà thầu xây dựng, kỹ sư, đến những quán ăn di động phục vụ công nhân nhà máy thép.
Nhà máy thép Edgar Thomson ở Braddock, Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: The Washington Post.
Trước đó, các công đoàn và tập đoàn lớn như Cleveland-Cliffs và U.S. Steel - những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn đến chính phủ - cho rằng các biện pháp bảo hộ hiện tại là chưa đủ để giúp họ tồn tại trước sự cạnh tranh khốc liệt, The New York Times cho biết.
U.S. Steel, biểu tượng ngành thép bang Pennsylvania, đã gặp nhiều khó khăn tài chính và chấp nhận để Nippon Steel (Nhật Bản) mua lại. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã chặn thương vụ này, khẳng định muốn U.S. Steel tiếp tục là một công ty Mỹ.
Những người ủng hộ thuế quan lập luận rằng Mỹ cần duy trì một ngành luyện kim vững mạnh để đảm bảo an ninh quốc gia. Bà Nazak Nikakhtar, đối tác tại công ty luật Wiley Rein và cựu quan chức trong chính quyền ông Trump, nhận định tổng thống đang thực hiện đúng cam kết tăng thuế nhập khẩu trên toàn cầu đối với thép và nhôm - hai vật liệu có vai trò chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.
Ngoài các nhà sản xuất nội địa, một số doanh nghiệp ngoại có nhà máy sản xuất tại Mỹ cũng đang lạc quan về triển vọng tương lai. Điển hình như BlueScope của Australia, cổ phiếu công ty này đã chạm đỉnh 2 tháng do kỳ vọng hoạt động sản xuất tại Mỹ được hưởng lợi từ chính sách thuế quan mới.
Kẻ lao đao, người tự tin trước sóng gió
Reuters dẫn lời các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính ODDO-BHF cho biết: "ArcelorMittal là công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi 13% doanh thu của tập đoàn đến từ thị trường Mỹ".
Giám đốc tài chính của ArcelorMittal - nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới - ước tính nếu thuế quan được áp dụng, công ty có thể thiệt hại khoảng 100 triệu USD/quý. Dù vậy, tập đoàn vẫn chưa có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trước khi chính sách thuế có hiệu lực.
Tờ Le Monde của Pháp cho biết để ứng phó với tình hình, ArcelorMittal đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Calvert, Alabama (Mỹ) nhằm giữ vững lợi thế cạnh tranh.
Đáng chú ý là chỉ vài tháng trước, tháng 11/2024, ArcelorMittal đã buộc phải hoãn một dự án khử carbon quy mô lớn tại Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, do áp lực tài chính và bất ổn của thị trường.
Ngoài lo lắng về việc thiệt hại từ thị trường Mỹ, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới này còn quan ngại về tình trạng dư thừa công suất toàn cầu, khiến thép nhập khẩu từ các khu vực khác, đặc biệt là Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ sau quyết định tăng thuế của ông Trump.
ArcelorMittal đã kêu gọi các biện pháp thương mại cứng rắn hơn để kiểm soát thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Giám đốc điều hành Aditya Mittal nhấn mạnh lượng thép nhập khẩu vào châu Âu ngày càng tăng là một vấn đề đáng lo ngại.
Trong một bức thư nội bộ gửi nhân viên do Financial Times tiếp cận, ông Mittal tiết lộ ArcelorMittal đang tích cực kêu gọi các biện pháp thương mại khẩn cấp để bảo vệ ngành thép châu Âu trước làn sóng cạnh tranh không công bằng.
Ông cũng khẳng định: “Ông Trump đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ngành sản xuất thép trong nước, điều này rất rõ ràng ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy”
Mittal bày tỏ hy vọng rằng Ủy ban châu Âu mới cũng có lập trường kiên quyết như vậy để bảo vệ ngành công nghiệp thép khu vực.
ArcelorMittal là nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới. Ảnh: Reuters.
Trái ngược với ArcelorMittal, Thyssenkrupp - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu - tỏ ra lạc quan rằng mức thuế mới của Mỹ chỉ tác động "hạn chế" đến hoạt động kinh doanh, theo CNBC.
Nguyên nhân do châu Âu vẫn là thị trường trọng điểm của Thyssenkrupp, trong khi chỉ 5% sản lượng thép của tập đoàn xuất khẩu sang Mỹ. Đáng chú ý, phần lớn thép xuất sang Mỹ thuộc phân khúc "chất lượng cao" và có vị thế riêng trên thị trường. Nhờ đó, công ty vẫn duy trì được chỗ đứng vững chắc tại Mỹ, bất chấp chính sách thuế mới.
Một phát ngôn viên của tập đoàn chia sẻ: "Phần lớn doanh thu của Thyssenkrupp tại Mỹ đến từ hoạt động thương mại và cung cấp linh kiện cho ngành ôtô. Nhìn chung, công ty có vị thế tốt trong những lĩnh vực này nhờ tỷ lệ sản xuất nội địa cao, phục vụ trực tiếp thị trường Mỹ. Hầu hết hoạt động sản xuất dành cho khách hàng Mỹ đều diễn ra ngay tại Mỹ".
Các tập đoàn Hàn Quốc tìm lối thoát
Bên cạnh các doanh nghiệp châu Âu, các nhà sản xuất thép Hàn Quốc cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề khi chính sách thuế mới được áp dụng. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất theo giá trị của Hàn Quốc và đứng thứ 4 về khối lượng nhập khẩu, sau Canada, Brazil và Mexico.
Tờ Chosun của Hàn Quốc tiết lộ trước thách thức lớn từ chính sách mới, các doanh nghiệp thép Hàn Quốc đang cân nhắc nhiều giải pháp, bao gồm xây dựng nhà máy tại Mỹ hoặc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Các công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ dự kiến đẩy nhanh quá trình ra quyết định đầu tư.
POSCO đang xem xét xây dựng một nhà máy luyện thép tại Mỹ, kết hợp công nghệ lò cao và lò hồ quang điện để sản xuất thép nóng chảy từ quặng sắt. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn, công ty vẫn đang đánh giá rủi ro kỹ lưỡng.
Trong báo cáo tài chính đầu tháng này, POSCO cho biết: "Việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, và với mức biến động cao như hiện nay, chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án khác nhau".
Hyundai Steel từng có kế hoạch xây dựng nhà máy thép tại Mỹ để đối phó với rào cản thuế quan trước cả khi ông Trump quay lại chính trường, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Công ty đang xem xét sản xuất thép ôtô tại Mỹ để cung ứng cho các nhà máy của Hyundai Motor và Kia tại bang Georgia. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ won và công ty chưa tìm được nguồn tài trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, Hyundai Steel cũng đang cân nhắc bán bớt cổ phần của một số công ty liên kết để giảm gánh nặng vay vốn. Song, kế hoạch này khá phức tạp do liên quan đến cấu trúc sở hữu chéo trong tập đoàn.
Những cuộn thép tại nhà máy Hyundai Steel ở Dangjin (Hàn Quốc). Ảnh: Reuters.
SeAH Group là tập đoàn thép Hàn Quốc có lợi thế hơn cả, nhờ sở hữu nhà máy sản xuất tại Mỹ. SeAH Steel Holdings đã mua một nhà máy ống thép tại Houston, Texas vào năm 2016, với công suất khoảng 250.000 tấn/năm. Công ty đang xem xét mở rộng nhà máy này để tận dụng lợi thế sản xuất nội địa. Hiện tại, SeAH Steel đang xuất khẩu 280.000 tấn ống thép sang Mỹ theo quy định hạn ngạch.
Dongkuk CM, công ty con của Dongkuk Steel chuyên sản xuất thép cán nguội và thép phủ màu, đang xem xét mở nhà máy tại Australia thay vì Mỹ. Xuất khẩu sang Australia đang có xu hướng gia tăng, và công ty muốn tận dụng cơ hội này để mở rộng sản xuất.
Hiện tại, Dongkuk CM xuất khẩu khoảng 10-15% sản lượng thép phủ sang Mỹ, nhưng không có kế hoạch xây dựng nhà máy tại đây. Thay vào đó, công ty hướng đến việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất tại các quốc gia như Australia để giảm rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Phương Linh