Hoạt động đối thoại, tiếp xúc với nhân dân ở Nghĩa Hành ngày càng thực chất

Hoạt động đối thoại, tiếp xúc với nhân dân ở Nghĩa Hành ngày càng thực chất
3 giờ trướcBài gốc
Thông qua đối thoại, tiếp xúc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm được những vấn đề mới, chưa phù hợp với thực tiễn ở cơ sở để chỉ đạo điều chỉnh cho phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.
Đáp ứng nguyện vọng người dân
Bà Bùi Thị Hằng, ở thôn An Phước (Hành Dũng) cho biết, tham gia các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã với nhân dân, tôi thường phản ánh tình trạng đường thôn, xóm còn lầy lội, lại thường xuyên ngập nước nên việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi kiến nghị xã cần quan tâm, sớm đầu tư kiên cố hoặc cứng hóa các tuyến đường thôn, xóm, để người dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn.
Cán bộ xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) gặp gỡ, chia sẻ niềm vui “đường sạch, ngõ đẹp” với người dân thôn An Phước.
Kiểm tra, giám sát sau đối thoại
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Trần Đình Cảm nhấn mạnh, đối thoại, tiếp xúc là dịp để cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người dân. Qua đó, vừa kịp thời giải đáp, tháo gỡ và giải quyết những vướng mắc, bức xúc tại cơ sở; vừa đề xuất cấp trên ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống. Đây chính là điều kiện căn bản nhằm hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp, tránh hình thành “điểm nóng”, giảm đáng kể đơn thư khiếu nại, tố cáo. Quan trọng hơn, đối thoại góp phần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, cũng như tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, gắn kết. Do đó, đối thoại phải đảm bảo thực chất, qua việc kiểm soát nội dung trước đối thoại và kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện ngay sau đối thoại.
Đầu năm 2024, xã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc bê tông tuyến đường thôn An Phước theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, một phần vật liệu xây dựng; người dân đóng góp kinh phí, ngày công và dịch chuyển hàng rào, hiến đất. Dù tuyến đường dài, người dân sinh sống 2 bên đường ít, nên bình quân mỗi hộ phải đóng góp hơn 8 triệu đồng, nhưng ai cũng đồng thuận. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, tuyến đường thôn An Phước không chỉ được bê tông kiên cố, mà còn mở rộng từ 2,5m lên 3m. “Đường rộng rãi, được người dân trồng hoa và cây xanh, nên cổng nhà sạch đẹp hơn hẳn”, bà Hằng chia sẻ.
Cùng với thôn An Phước, người dân trên địa bàn xã Hành Dũng cũng phấn khởi vì nhiều tuyến đường thôn, nội đồng bị hư hỏng đã được chính quyền địa phương tổ chức khắc phục, cứng hóa. Đặc biệt, 6 tuyến đường (dài hơn 3,5km) qua các thôn An Tân, An Sơn đã được bê tông rộng rãi, sạch, đẹp.
Bí thư Đảng ủy xã Hành Dũng Nguyễn Trần Thương chia sẻ, qua hoạt động đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, nhiều đề xuất, kiến nghị chính đáng của người dân trên địa bàn xã đã được các cấp, ngành giải quyết kịp thời. Gần đây nhất, ngày 17/9/2024, tại Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với nhân dân xã Hành Dũng, người dân thôn Kim Thành kiến nghị huyện quan tâm xây dựng nhà văn hóa thôn, để thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động, sinh hoạt. Trên cơ sở đó, Thường trực Huyện ủy đề nghị UBND huyện chỉ đạo cơ quan có liên quan tham mưu huyện bố trí kinh phí (1,2 tỷ đồng), đề đầu tư xây dựng Nhà văn hóa thôn Kim Thành, nên người dân rất phấn khởi.
Đồng hành cùng sự phát triển
Tại các hội nghị đối thoại giữa bí thư huyện ủy với nhân dân, hội, đoàn thể, phần lớn các ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề, như: Sửa chữa, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là vùng chuyên canh cây ăn quả và chăn nuôi tập trung. Phát triển các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn, dịch vụ, du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị nông sản, nhất là các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Kiểm soát giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp...
Cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành hướng dẫn, hỗ trợ người dân các biện pháp chăm sóc cây ăn quả.
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, trong 9 tháng năm 2024, Huyện ủy Nghĩa Hành tổ chức 3 lượt đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với nhân dân (2 lượt đối thoại chuyên đề), giải quyết 44/58 nội dung kiến nghị; tiếp công dân (đột xuất) 2 lượt/2 người và xử lý, giải quyết 17/17 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đối với 12 xã, thị trấn, đã tổ chức 36 lượt đối thoại giữa bí thư đảng ủy với nhân dân tại 36 thôn, tổ dân phố, đã giải quyết 402/441 nội dung, ý kiến; tiếp công dân 46 lượt/48 người và xử lý, giải quyết 9/10 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, hoạt động đối thoại, tiếp xúc không chỉ là cơ hội để người dân, nhất là nông dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, mà còn là dịp để người dân tiếp cận thông tin thị trường, các giải pháp khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất qua những giải pháp, hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chuyên môn. Do đó, trên cơ sở thông báo của Huyện ủy về kết luận của Bí thư Huyện ủy sau đối thoại, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn trả lời, xử lý, giải quyết kịp thời, đầy đủ các kiến nghị, phản ánh của người dân. Đồng thời, xây dựng giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật sản xuất phù hợp với từng loại, từng giai đoạn phát triển của cây trồng, vật nuôi, năm 2024, Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 9 hội thảo “Nhịp cầu nhà nông”. Đồng thời, triển khai thực hiện 5 mô hình trình diễn chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi tại các xã, thị trấn; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn với dịch bệnh... Qua đó, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả.
Anh Hồ Duy Tân, ở thôn Phú Lâm Tây (Hành Thiện) bày tỏ, sau hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu huyện, xã, một số kiến nghị của tôi cũng như nhiều nông dân đã được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết kịp thời. Đặc biệt là, nhờ được cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin mà tôi yên tâm phát triển mô hình trồng xen canh các loại cây ăn quả, cau, tiêu và sả để vừa giảm rủi ro thiên tai, vừa sử dụng hiệu quả diện tích đất, lại hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá”. Vậy nên, khi giá cau tăng cao, tôi vẫn không có ý định trồng thêm, mà chỉ tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao năng suất và chất lượng.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-nghia-hanh/202410/hoat-dong-doi-thoai-tiep-xuc-voi-nhan-dan-o-nghia-hanh-ngay-cang-thuc-chat-8301a6e/