Hoạt động xuất nhập khẩu: Cần chiến lược chủ động

Hoạt động xuất nhập khẩu: Cần chiến lược chủ động
3 giờ trướcBài gốc
Mở rộng không gian xuất khẩu
Những năm gần đây, việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở rộng đáng kể không gian thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Gần đây, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa được ký kết sau quá trình đàm phán chỉ 16 tháng là một kỷ lục mới trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.
“CEPA mở ra cánh cửa lớn vào thị trường Trung Đông và châu Phi - những khu vực giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là cú huých mới cho xuất khẩu nông sản, dệt may và hàng tiêu dùng của Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK) sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường G7 với mức độ tự do hóa thương mại cao và tiêu chuẩn khắt khe là một phép thử để doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó là việc triển khai các FTA mới như VIFTA với Israel và nâng cấp các FTA trong ASEAN, giúp củng cố và đa dạng hóa cấu trúc thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh chi phí xúc tiến thương mại truyền thống ngày càng cao và hành vi tiêu dùng toàn cầu chuyển mạnh sang môi trường số, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các nền tảng xúc tiến thương mại số như: Vietrade Map, Vietrade CRM, iTrace247 hay các gian hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử quốc tế.
Hoạt động xuất nhập khẩu trở thành một trong những điểm tựa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là hướng đi đúng đắn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để tận dụng được, các doanh nghiệp phải chủ động trang bị kiến thức, nâng cao năng lực về marketing quốc tế, logistics và tiêu chuẩn sản phẩm”, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết.
Dù xuất khẩu đã phục hồi sau đại dịch, nhưng tính bền vững vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Hiện hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, vẫn gặp khó trong tiếp cận thị trường quốc tế.
“Đa phần doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu do hạn chế về quy mô, công nghệ và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế”. ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá.
Ngoài ra, cơ cấu thị trường xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc lớn vào một số quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi thị phần ở các thị trường tiềm năng khác còn rất nhỏ. Tình trạng xuất khẩu nông sản dưới dạng thô hoặc sơ chế vẫn phổ biến, khiến giá trị gia tăng thấp và dễ gặp rủi ro về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Chủ động - liên kết - bền vững
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc chiến lược thị trường và phát triển sản phẩm theo hướng chuyên sâu.
Thứ nhất, cần giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chủ động thâm nhập những khu vực mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ là nơi Việt Nam đã có lợi thế về chính trị và đang tiến hành nhiều hiệp định thương mại.
Thứ hai, cần thay đổi tư duy xúc tiến thương mại từ “tìm thị trường cho sản phẩm” sang “phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường”. Tức là không chỉ đẩy mạnh sản lượng, mà phải nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.
Thứ ba, chú trọng đầu tư vào logistics và hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng cần hình thành các trung tâm logistics vùng, nhất là đối với nông sản, để giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt qua biên giới phía Bắc, cũng cần được tăng cường.
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ quy định quốc tế. Đây là yếu tố then chốt để hàng Việt có thể vươn xa, nhất là trong bối cảnh các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) ngày càng phổ biến.
Cuối cùng, việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường đồng bộ, cập nhật, có khả năng cảnh báo sớm các biến động địa chính trị, xu hướng tiêu dùng, rào cản kỹ thuật... là cực kỳ cần thiết. Đây sẽ là công cụ giúp cơ quan quản lý hoạch định chính sách linh hoạt và doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh chiến lược xuất khẩu.
Xuất nhập khẩu không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập và nâng tầm kinh tế Việt Nam. Muốn đi xa hơn, không thể chỉ trông chờ vào lợi thế giá rẻ hay ưu đãi thuế quan, mà phải đầu tư chiều sâu vào chất lượng, thương hiệu và sự thích ứng toàn diện với các xu hướng toàn cầu mới.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý 1/2025 tăng trưởng 13,1%
Bình Minh
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/hoat-dong-xuat-nhap-khau-can-chien-luoc-chu-dong-163384.html