Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Minh Phú
Ngoài tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh, chương trình còn diễn ra sự kiện kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng được công nhận bảo vật quốc gia và khai hội chùa Tây Phương năm 2025.
Theo Ban tổ chức, Thạch Thất là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời mang dấu ấn xứ Đoài. Hiện nay, Thạch Thất có hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, Thạch Thất là vùng đất cổ, vùng quê có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, với những bản sắc của văn hóa xứ Đoài. Với bề dày lịch sử hơn 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất hiện có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, Lễ hội chùa Tây Phương được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Thạch Thất và du khách thập phương; vừa mang những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục; vừa mang những giá trị cổ truyền, kết nối đông đảo nhân dân trong vùng, tạo nên sức sống mạnh mẽ của cộng đồng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của bản sắc văn hóa huyện Thạch Thất.
Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Ảnh: Công Phương
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt các giá trị di sản của Lễ hội chùa Tây Phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; tích cực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến hoạt động du lịch với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả. Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, quy hoạch vùng phụ cận của di tích chùa Tây Phương, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và du khách. Phòng Văn hóa, khoa học và Thông tin phối hợp với các xã Thạch xá, Quang Trung cùng các câu lạc bộ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận múa rối nước Thạch Xá, Chàng Sơn, Bình Phú là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức lễ hội và UBND các xã, thị trấn cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật, chống xâm hại cảnh quan di tích, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách.
Lễ hội chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương. Việc tổ chức Lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.
Năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2015, Bộ tượng Phật chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Năm 2022, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của Thành phố.
Ngày 19/2/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 324 công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống chùa Tây Phương.
Mây Hạ