Toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy sau khi sắp xếp sẽ đi vào hoạt động sau ngày 30/8
Tại cuộc họp giao ban công tác tháng 3/2025, triển khai nhiệm vụ công tác quý 2 và tháng 4/2025 diễn ra ngày 01/4 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin về lộ trình thực hiện sáp nhập tỉnh, xã và nhiều công tác quan trọng khác.
Liên quan đến nội dung sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong tháng 3/2025, Bộ Nội vụ đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Về công tác trọng tâm trong quý 2 và tháng 4/2025, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị 11 để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình, đề án về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc họp
Bộ Nội vụ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính và sẽ hoàn thành trước ngày 30/6 để làm cơ sở cho các địa phương triển khai việc sắp xếp, bảo đảm đi vào vận hành.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã bắt tay ngay vào việc tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sắp xếp cấp tỉnh, tổ chức lại cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong quý 2 và tháng 4/2025, Bộ Nội vụ dồn sức cho nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nội dung này được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30/6. Chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 01/7, cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30/8.
Từ ngày 01/5, 63 tỉnh, thành phố sẽ gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị 11 để thông qua đề án của Đảng ủy Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Sau đó Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai đồng bộ nội dung này.
Dự kiến, ngày 16/4 sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, cùng với việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo Bộ trưởng, ngày 01/7 là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành và ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy sau khi sắp xếp sẽ đi vào hoạt động đồng bộ.
Hình thành những siêu đô thị mới
Chiều 29/3, tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai rất quyết liệt, kiên quyết và dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, được sự đồng thuận cao. Đây là bước đột phá về thể chế để chuẩn bị cho tầm nhìn 100 năm phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều vì lợi ích thiết thực, lâu dài của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Việc cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính đợt này tập trung vào những mục tiêu tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử văn hóa và địa lý, từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu. Việc giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc để tái phân bổ nguồn lực, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực ưu tiên.
Với Đà Nẵng và Quảng Nam, Tổng Bí thư cho rằng, trong lịch sử, hai địa phương này vốn là một, nên việc hợp nhất với nhau cũng phù hợp, nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới. Như vậy, rất nhiều khả năng Đà Nẵng sẽ sáp nhập với Quảng Nam. Vì vậy Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/202 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Bản đồ tỉnh Quảng Nam. Dự kiến tỉnh Quảng Nam sẽ được sáp nhập với TP.Đà Nẵng
Nếu sáp nhập, đơn vị hành chính Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ thành siêu đô thị với 3 thành phố gồm Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An; với 2 cảng biển lớn là Tiên Sa - Sơn Trà, Chu Lai và nhiều cảng nhỏ khác, Đà Nẵng cũng có 2 sân bay là Đà Nẵng và Chu Lai. Đặc biệt với Đà Nẵng hiện đang bị hạn chế bởi không gian phát triển, có thể mở rộng để trở thành siêu đô thị khi liên kết với bắc Quảng Nam.
Trước đó, ngày 20/3, với tư cách là Trưởng Đoàn kiểm tra số 1908 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra với Ban Thường vụ các tỉnh, thành: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tổng kết Nghị quyết số 18 về vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kết luận số 12/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết 18, gắn với việc thành lập và hoạt động của các Đảng bộ mới, trong đó có công tác sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức bộ máy. Qua hội nghị này đã "lộ" ra một siêu đô thị mới TPHCM, nếu 3 đơn vị hành chính này sáp nhập với nhau.
Các chuyên gia đánh giá ba địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nhập vào TPHCM là phương án hợp lý, bổ sung cho nhau các tiêu chí về diện tích, dân số, đồng thời tạo nên một siêu đô thị TPHCM với nhiều cơ hội tăng tốc phát triển. Việc sáp nhập như vậy sẽ tạo ra không gian mở xây dựng vùng phát triển có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.
Các chuyên gia cũng đã tính toán nhiều phương án hạ tầng giao thông kết nối 3 địa phương này với nhau, đặc biệt tạo nên quỹ đất đô thị rất lớn qua nhiều phương án, kể cả việc kết nối bằng tuyến metro TPHCM - Cần Giờ...
Dự kiến cả nước sẽ có 34 tỉnh, thành phố
Phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại Đà Nẵng chiều 28/3, Tổng Bí thư Tô Lâm dành phần lớn thời gian để nói về việc sắp xếp bộ máy, sáp nhập các tỉnh thành.
Theo Tổng Bí thư, việc sắp xếp bộ máy, hệ thống chính trị được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học và nhân văn. Dự kiến sẽ cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính 3 cấp gồm Trung ương, tỉnh, thành phố và xã, phường.
Dự kiến sẽ có 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Không tổ chức cấp huyện và sẽ có khoảng 5.000 cấp xã, phường. Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu cán bộ phải gần, sát với dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Hiện nay cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 696 quận, huyện và 10.035 xã, phường. Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, có 52 tỉnh thành dự kiến sáp nhập, trong đó có TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, thuộc diện phải sắp xếp; 11 tỉnh thành khác giữ nguyên, không sáp nhập, gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tổ chức ban chỉ huy quân sự xã, phường phù hợp với quy mô mới
Sáng 02/4 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 13 để xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương "tinh, gọn, mạnh" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương các cơ quan xây dựng dự thảo Đề án, đã phát huy tốt trí tuệ tập thể, làm việc thận trọng, khoa học với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, bám sát thực tiễn và tư tưởng chỉ đạo của Trung ương. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc sắp xếp các tổ chức quân sự địa phương, bộ đội biên phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tinh - gọn - mạnh, hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian, thực sự là nòng cốt trong xây dựng và thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Việc sắp xếp phải kế thừa kinh nghiệm tổ chức cơ quan quân sự địa phương, bộ đội biên phòng tỉnh; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời bình, sẵn sàng mở rộng lực lượng; quá trình điều chỉnh bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của quân đội.
Về nguyên tắc, theo chủ trương của Đảng, sắp xếp các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh theo các tỉnh được sáp nhập.
Quá trình điều chỉnh mang tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Bảo đảm được sự chỉ huy thống nhất trong xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, giữ được sự ổn định; sau điều chỉnh bảo đảm hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Về mục tiêu, tiếp tục sắp xếp tổ chức quân sự địa phương, bộ đội biên phòng phù hợp với hệ thống, với quan điểm đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm giao Thường vụ Quân ủy Trung ương tiếp thu nội dung kết luận, chỉ đạo hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Sau khi được Bộ Chính trị thông qua, tập trung chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Quân ủy Trung ương lãnh đạo triển khai thực hiện, chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh bổ sung về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, tác chiến khu vực phòng thủ, hệ thống tài liệu huấn luyện phù hợp với tổ chức biên chế mới.
Chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan lĩnh vực quân sự, quốc phòng; chỉ đạo cơ quan tiếp tục nghiên cứu về tổ chức của Ban chỉ huy quân sự xã, phường phù hợp với quy mô đơn vị hành chính cấp xã, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
XUÂN NHÂN